Cá tra tiếp tục “vượt vũ môn”

Năm 2017 khép lại, giá cá tra đạt đỉnh cao nhất trong 10 năm qua (dao động khoảng 28.000 đồng/kg). Dù nhiều thách thức tiếp tục đang đặt ra ở các thị trường truyền thống lâu nay như EU, Hoa Kỳ..., nhưng cơ hội đã rộng mở ở thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác. 
Cá tra tiếp tục “vượt vũ môn”
Các chuyên gia trong ngành cá tra khuyến cáo: “Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam hãy chuẩn bị cho bước chuyển từ cung cấp sản phẩm phi lê sang công nghiệp ẩm thực”.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi, nhưng giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng: Năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8%, năm 2017 tăng đột biến chiếm khoảng 40%.
Có thể nói, hình ảnh cá tra Việt Nam đang tạo được ấn tượng tốt ở thị trường Trung Quốc. Họ tin tưởng vào cách quản trị ngành hàng cá tra Việt Nam khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ EU và Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2017, diện tích nuôi mới cá tra ở các tỉnh ĐBSCL là 3.300ha (tăng 14%), diện tích thu hoạch là 3.415ha (tăng 7%), sản lượng đạt 1,06 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2016) với năng suất trung bình đạt 309 tấn/ha (so với năm 2016 là 313 tấn/ha). Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường Trung Quốc vươn lên đứng đầu, thứ hai là thị trường Hoa Kỳ… 
Ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn. Lâu nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra phi lê sang nhiều thị trường. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại cần cá tra gần như nguyên con (có đầu, đuôi…).
Hiện dân Trung Quốc rất thích các món ăn chế biến từ cá tra. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang công nghiệp chế biến ẩm thực. Cần hiểu rõ thị trường Trung Quốc đang xem các món ăn thủy sản là “thời thượng”. Nếu tìm hiểu kỹ và chế biến sâu, thì khả năng cơi nới thị trường là rất lớn
. Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng, một số vùng ở Trung Quốc rất muốn giao lưu về kỹ năng ẩm thực trong chế biến cá tra với các doanh nghiệp ở ĐBSCL. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tổ chức sự kiện Mekong Chef 2017 với chủ đề “Ngày hội ẩm thực cá tra Việt Nam và xúc tiến thương mại” giới thiệu, quảng bá sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp với thị trường qua 30 món ăn được chế biến từ cá tra của các đầu bếp trong nước và quốc tế.
Lâu nay da cá tra chủ yếu bán phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi. Mới đây, doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp được doanh nghiệp ở Singapore đề nghị mua da cá tra làm sản phẩm ăn liền (snack). Nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đặt hàng Cỏ May cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn.
Sau quá trình khảo sát, đối tác Singapore đã ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg, thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… có thể tăng gấp 3 lần (khoảng 22.000 - 24.000 đồng/kg).
Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng)/gói 230g. Hiện Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50-60 tấn da cá/tháng. Năm 2018, Cỏ May sẽ mở rộng nhà máy, nâng công suất lên cao hơn. Hiện lượng hàng xuất đi cung không đủ cầu.
Ngành cá tra ĐBSCL đang từng bước hoàn thiện liên kết ngang, liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông dân, cùng với việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo ra chuỗi sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao sẽ là tiền đề vững chắc để mặt hàng cá tra vượt qua các “rào cản kỹ thuật”, xâm nhập các thị trường khó tính.

Tin cùng chuyên mục