Những năm qua TPHCM đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện các công trình chống ngập nhằm giảm thiểu tình trạng ngập nước trên địa bàn TP, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu.
Qua rồi thời tát nước
Những năm trước đây, người dân sống dọc hai bên đường Nguyễn Thị Nhỏ thuộc quận 6 và 11; Trần Bình Trọng quận 5; Lê Hồng Phong, quận 10; Phạm Thế Hiển quận 8; Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng, quận Phú Nhuận… luôn trong tình trạng thấp thỏm khi trời chuyển mưa, vì sau mỗi cơn mưa, hàng trăm nhà dân ngập trong nước, dù họ đã dùng mọi thứ để ngăn không cho nước tràn vào nhà.
Để chống chọi với nước ngập, khi mưa hoặc triều cường nhiều nhà phải dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài hoặc cùng nhau tát nước. Nay đã khác, ông Trần Quốc Tài, chủ vựa gạo góc đường Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng quận 11, cho biết: “Qua rồi thời tát nước. Từ mùa mưa năm rồi đến nay toàn bộ tuyến đường này và khu vực bến xe Chợ Lớn đã hết ngập”.
Được biết, trong năm 2010, việc hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình chống ngập trên địa bàn đã phát huy tác dụng, giúp giảm ngập tại hàng chục khu vực trên địa bàn thành phố.
Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè khẳng định: Cuối năm nay sẽ hoàn thành hệ thống cống của dự án. Hiện nay các tuyến cống chính của khu vực trên cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lại một số công đoạn nhỏ sẽ khẩn trương thi công để khi đưa vào hoạt động sẽ giúp giảm tình trạng ngập úng do mưa hay triều cường trên quy mô 7 quận nội thành, gồm: 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Cuối mùa mưa năm 2009 trên địa bàn thành phố có khoảng 96 điểm ngập thường xuyên do mưa, trong đó, có 64 điểm ngập từ 3 lần trở lên. Ngập do triều cường có 67 điểm. Sang năm 2010, với những trận mưa trên diện rộng với cường độ lớn kết hợp với triều cường, cũng còn 50 tuyến đường bị ngập ở độ sâu 0,10m - 0,35m. |
Để tạo chuyển biến trong việc xóa, giảm ngập trên địa bàn thành phố, UBNDTP đã chỉ đạo xây dựng Chương trình trọng điểm giảm ngập giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2025 mang tính đột phá với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tập trung xử lý các điểm ngập hiện hữu; xử lý nhanh các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án và tiến hành nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả và kênh rạch đang bị lấn chiếm, gây bịt hướng thoát nước.
Phấn đấu đến cuối năm 2012, cơ bản giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch để nạo vét kênh, rạch thoát nước. Lắp đặt tuyến cống mới ở các tuyến đường chính có cống cũ và nhỏ nhằm giải quyết tình trạng ngập cho các khu vực thuộc các quận: 5, 6, 11, Bình Tân, Tân Phú, 12, Gò Vấp... và huyện Bình Chánh.
Thời gian qua, UBND TP đã thành lập tổ công tác liên ngành giúp giải quyết nhanh những vướng mắc của các nhà thầu thi công. Nhờ đó, một số thủ tục được xử lý nhanh hơn. UBND TP cũng chỉ đạo, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, triển khai thi công các dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nhà máy xử lý nước thải như: dự án môi trường nước (lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè) giai đoạn 2; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ giai đoạn 2; dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên và suối Nhum; hoàn thành việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, lập dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn; triển khai các dự án xây dựng cống kiểm soát triều; các dự án công trình đê bao, nạo vét kênh trục thoát nước chính: Đoạn từ Bến Súc đến tỉnh lộ 8; từ sông Vàm Thuật (bờ hữu sông Sài Gòn) đến sông Kinh Lộ (sông Nhà Bè) đi ngang qua các khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp và cảng Hiệp Phước; tuyến đê bao bờ tả sông Sài Gòn; xây dựng đê bao dọc tuyến kênh Đôi, Tàu Hủ thuộc phường 6, 7 và 16 (quận 8); nạo vét rạch Thủ Đào, rạch Bà Lớn, Ông Lớn, Lung Mân, Xóm Củi, Ông Bé, Thầy Tiêu, rạch Tra - kênh Xáng - An Hạ, kênh Xáng Lớn, cầu Suối, Đồng Tiến, Ông Búp và nhiều kênh rạch khác trong nội thị.
Q.Hùng - L.Thiện