Những năm qua, hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo và làm mới hàng loạt hệ thống thoát nước trên địa bàn TPHCM đang bước vào giai đoạn nước rút với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Do nhiều nguyên nhân, nên nhiều công trình đã hoàn thành nhưng không phát huy tác dụng giải quyết thoát nước chống ngập.
Công trình xong nhưng chưa kết nối
Trong thời gian qua, Trung tâm chống ngập nước TPHCM (TTCN) đã xóa được một số điểm ngập do mưa hoặc triều cường như đường Đặng Văn Ngữ (quận 3), Đinh Tiên Hoàng, Phạm Thế Hiển (quận 8) đã đặt cống, nâng đường... Kể cả những biện pháp chữa cháy dùng máy bơm tại nhiều điểm ngập như vòng xoay An Lạc, gần vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Kha Vạn Cân...
Những biện pháp chữa cháy trên dành cho trường hợp ngập cục bộ. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập kinh niên khu vực vòng xoay Cây Gõ, TTCN đồng loạt khởi công 3 công trình cải tạo hệ thống tiêu thoát nước đường 3 Tháng 2, đường Minh Phụng và đường Hùng Vương - Hoàng Lệ Kha đến nay đã hoàn thành. Tuy nhiên, công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Hùng Vương - Hoàng Lệ Kha hiện nay phải chờ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đảo ống cấp nước D800mm tại khu vực cầu Ông Buông để TTCN lắp đặt cống hộp thoát nước. Dự kiến đầu tháng 6 mới hoàn tất việc đảo ống cấp nước D800mm. Như vậy, công trình này đến cuối tháng 6 mới hoàn thành.
Tương tự, theo Ban QLDA đại lộ Đông Tây và môi trường nước, đang tập trung thi công dứt điểm 4 khu vực cửa xả cuối nguồn gồm đường Mạc Cửu, Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng và Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) vào cuối năm nay.
Ngoài những công trình trên, TPHCM đã khởi công xây dựng dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP, rạch Hàng Bàng… nhằm cải tạo, làm mới hàng trăm kilômét hệ thống thoát nước. Tuy nhiên đến nay, dự án nâng cấp đô thị và dự án rạch Hàng Bàng thi công rất chậm trong khi nước ngập ngày càng tăng. Vì thế, mùa mưa năm nay khó tránh khỏi tình trạng ngập lụt. Nhất là các vùng thuộc khu vực thường xuyên ngập tại quận 6, 11...
Riêng 2 dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước vẫn chưa thể phát huy tác dụng giảm ngập cho các vùng thuộc địa bàn các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận...
Hiện nay, chỉ có 2 trong số hàng chục tuyến đường có thể giải quyết giảm ngập là đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Đinh Tiên Hoàng vì 2 tuyến này hệ thống thoát nước đã được kết nối hoàn chỉnh. Còn lại hầu hết những tuyến đường khác mặc dù đã lắp đặt xong cống, nhưng chưa kết nối thông suốt với toàn hệ thống khác nên phải chờ đến năm 2011. Đó là chưa kể, trong quá trình thi công, các dự án đã phá nhiều tuyến cống băng ngang hiện hữu, bịt các cửa xả, không đảm bảo khả năng thoát nước, gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống thoát nước chung của TPHCM.
Nhiều công trình chưa đồng bộ
Để giải quyết triệt để tình trạng ngập khu vực vòng xoay Cây Gõ, TTCN đã khởi công xây dựng trạm bơm Phú Lâm (công suất 15m³/giây) tại khu vực gần cầu Ông Buông 2, quận 6 nhưng nhà máy này đến cuối năm 2011 mới xong. Ngoài ra, sẽ nạo vét mở rộng và kè bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm do Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị cũng cần triển khai sớm để tiếp nhận nước của trạm bơm Phú Lâm. Khi đó mục tiêu chống ngập cho khu vực vòng xoay Cây Gõ mới thật sự được giải quyết hoàn chỉnh.
Khu vực Bến xe Chợ Lớn có 2 công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung và đường Phạm Đình Hổ - Cao Văn Lầu. Nhưng tiến độ thi công công trình này dự kiến vào tháng 8-2010 mới hoàn thành do vướng nhiều công trình ngầm. Trong đó, tình trạng vướng ống cấp nước D900mm tại ngã tư Phạm Đình Hổ - Cao Văn Lầu là trầm trọng nhất. Tại vị trí giao cắt với ống cấp nước D900mm, cống thoát nước phải xử lý nâng lên 1,75m để giao vượt trên ống cấp nước. Điều này làm mục tiêu giải quyết ngập cho khu vực Bến xe Chợ Lớn không khả thi. Do đó, để giảm ngập khu vực Bến xe Chợ Lớn trong mùa mưa, TTCN đang nghiên cứu xây dựng thêm mương bê tông cốt thép để thu bớt nước mặt.
Trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Tháp Mười, Hậu Giang tuyến ống cấp nước cấp 1 D900mm nằm dưới mặt đường nhựa khoảng 2m khiến toàn bộ các tuyến cống thoát nước lớn thoát theo hướng Bắc – Nam ra kênh Tàu Hủ buộc phải xử lý nâng cao để vượt qua ống cấp nước cấp 1 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát nước của khu vực. Tương tự, các dự án thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng là những công trình trọng điểm, hiện đang được gấp rút hoàn thành để kịp mùa mưa sắp tới. Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều công trình ngầm, khó xử lý. Đó là chưa kể sau khi hoàn thành hệ thống thoát nước này sẽ không đạt được hiệu quả như dự kiến ban đầu.
TTCN cho rằng, việc thi công làm bờ kè và lắp đặt cống thoát nước của 2 dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước có gần 100 điểm gây chặn dòng chảy. TTCN nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư các dự án trên phải khơi thông dòng chảy các điểm trên trước mùa mưa sắp đến.
Đến nay, TPHCM đã hoàn thành 36 dự án cải tạo, lắp mới hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách. Riêng 3 dự án thoát nước sử dụng vốn ODA (dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ; giai đoạn 2 dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) và dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang tiếp tục thực hiện. Đã đưa vào vận hành 184 km hệ thống thoát nước. Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ Vàm Thuật đến Nam Rạch Tra) đã hoàn thành cơ bản nhiều cống lớn và tuyến đê bao dài 47,4 km, giúp ngăn triều cho 3.560 ha. Từ nay đến năm 2015: Giải quyết tình trạng ngập do mưa và triều cường (xóa 90% các điểm ngập do mưa, xóa 90% các tuyến đường ngập do triều). Kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ và Tân Hóa - Lò Gốm, bao gồm các quận 5, 6, 11, Tân Phú, Bình Tân. Đối với 5 vùng thoát nước còn lại với diện tích 580 km2, dân số 3.413.698 người: Giảm 70% các điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều hiện hữu và kiểm soát, ngăn chặn không cho phát sinh điểm ngập mới. |
QUỐC HÙNG