Các điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu

Theo Điều 72 Luật SHTT, để có thể được bảo hộ, nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; đồng thời, phải có khả năng phân biệt. Theo đó, pháp luật Việt Nam hiện không bảo hộ các nhãn hiệu dạng âm thanh hoặc mùi hương do không nhìn thấy được, ngay cả khi âm thanh hoặc mùi hương đó có khả năng phân biệt cao.

Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ…
Một số dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt tự thân như: các biểu tượng, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ; các dấu hiệu chỉ địa điểm, nguồn gốc địa lý, phương pháp sản xuất hoặc các đặc tính mô tả hàng hoá, dịch vụ; các hình đơn giản, chữ số, chữ cái…

Tuy nhiên, Luật SHTT cũng thừa nhận khả năng một số dấu hiệu nêu trên có thể dần dần đạt được khả năng phân biệt nhờ quá trình đầu tư tiếp thị và truyền thông của doanh nghiệp. Thí dụ, nhãn hiệu TCL (chỉ gồm các chữ cái) của một công ty điện tử Trung quốc, nhãn hiệu thuốc lá 555 (chỉ gồm các chữ số), hay các nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” hoặc “Vang Đà Lạt” (tên hàng hóa + địa điểm sản xuất)… đã đạt được khả năng phân biệt qua một quá trình sử dụng đến trước thời điểm nộp đơn đăng ký và do vậy, sẽ được chấp nhận bảo hộ .

Đào Minh Đức

Tin cùng chuyên mục