Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và Campuchia, các tổ chức quốc tế các viện nghiên cứu, doanh nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Các đồng bằng lớn ở châu Á, bao gồm ĐBSCL đóng vai trò lớn trong cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người trong khu vực. Tuy nhiên, hệ thống thực phẩm ở các đồng bằng này đang chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu bao gồm lũ lụt, xâm nhập mặn, thiếu nước và điều kiện khí hậu khắc nghiệt ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng hơn. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, bên cạnh các thách thức từ đô thị hóa và di cư, đồng thời gây ra các bẫy nghèo mới và các điểm nóng mới về nạn đói”.
Tiến sĩ Ole Sander, Trưởng đại diện Viện lúa Quốc tế (IRRI) tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của các vùng đồng bằng lớn của châu Á như những “giỏ thực phẩm” cho các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu chính của sáng kiến AMD là xây dựng các vùng đồng bằng này “có khả năng duy trì tính toàn vẹn sinh thái – xã hội, thích ứng với khí hậu và các áp lực khác, đồng thời hỗ trợ sự thịnh vượng, phúc lợi của cư dân, bằng cách loại bỏ các rào cản mang tính hệ thống đối với việc nhân rộng các công nghệ, thực hành mang tính chuyển đổi ở các cấp độ cộng đồng, quốc gia và khu vực”.
“Chúng tôi hy vọng rằng thông qua AMD, sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác hài hòa với Liên minh các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) và phát huy kinh nghiệm từ các chương trình hợp tác trước đây. Điển hình như chương trình nghiên cứu CGIAR về biến đổi Khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực đã cho chúng ta thấy giá trị của phương pháp tiếp cận có sự tham gia và trao quyền cho đối tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển. Điều này được minh chứng bằng nhiều thành tựu, đặc biệt là việc phát triển và thực hiện bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với khí hậu ở ĐBSCL và các vùng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.