Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu tác động và rủi ro lớn nhất. Ngôi nhà “xanh” là một trong những giải pháp để thích ứng với BĐKH và giảm thiểu khí thải nhà kính. Để có được ngôi nhà thân thiện môi trường, ngoài việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng và kiến trúc xây dựng tổng thể thích ứng với BĐKH, cách sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng (TKNL) và những thói quen của chúng ta cũng là cách tốt nhất để giảm thiểu tác động đến môi trường đồng thời có thể tiết kiệm được chi phí tối đa.
Tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm tiền
Một trong những mục đích quan trọng của Chương trình Năng lượng xanh TPHCM là khuyến khích sử dụng năng lượng mới, thân thiện với môi trường. Năng lượng đun nước nóng là nguồn tiêu thụ điện lớn thứ 2 trong các hộ gia đình sau máy điều hòa. Chính vì thế, TP cũng đã đưa ra chỉ tiêu số lượng sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời phải tăng 3%/năm.
Theo nhóm chuyên gia thực hiện dự án Nghiên cứu siêu đô thị TPHCM thích ứng với BĐKH, các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (SWH) chính là lựa chọn rẻ và khả thi. Người tiêu dùng chỉ bỏ ra khoản đầu tư SWH một lần nhưng thu được lợi ích lâu dài bởi không phải trả tiền điện hàng tháng.
Để có thể sử dụng SWH một cách tối ưu thì SWH phải được đặt ở vị trí đón được nắng, không bị che khuất và phải được duy trì nguồn cấp nước ổn định. Nên chọn SWH đạt tiêu chuẩn DIN EN 12957 và ISO 9459-5. Các thiết bị thu nhiệt đặt ở hướng Nam chếch Tây 15 độ là tốt nhất, góc nghiêng khoảng 25 - 30 độ so với mặt ngang. Bình nước lạnh nên đặt cao hơn hoặc ít nhất là bằng độ cao đầu vào của hệ thống. Ngoài ra, các lựa chọn dung tích của bình bảo ôn nên phù hợp với số người trong gia đình sử dụng. Với hệ thống dung tích 200 lít có thể dùng cho khoảng 5 người.
Với khí hậu ở miền Nam có thể cung cấp nước nóng 365 ngày trong năm. Sử dụng SWH có thể tiết kiệm khoảng 944 kWh/gia đình (4 người). Thời gian thu hồi vốn đầu tư SWH khoảng 3-4 năm nhưng cũng có thể giảm xuống còn 2 năm đối với các thiết bị có công suất 150 lít trong điều kiện tối ưu. Kết quả khảo sát về sử dụng SWH thì đa số người sử dụng cho thấy, người dân có khả năng tiết kiệm được từ 100.000 đến 250.000 đồng tiền điện/tháng.
Bắt đầu từ những hành động
Những ảnh hưởng của BĐKH đang trở nên rõ ràng nhưng vẫn bị gạt sang một bên khi mỗi chúng ta đưa ra các quyết định về thói quen sử dụng các thiết bị trong gia đình. TKNL có thể thực hiện với nhiều cách khác nhau, trong đó cách tốt nhất là tránh việc tiêu tốn năng lượng. Việc này có thể dễ dàng thực hiện bằng cách đầu tư vào các thiết bị gia dụng TKNL.
Có thể nói, phòng bếp là nơi được sử dụng nhiều nhất trong nhà và cũng là một trong những khu vực tiêu tốn năng lượng và nước nhiều nhất. Do đó, có rất nhiều cách thay đổi thói quen trong nhà bếp có thể giúp TKNL. Chẳng hạn, thay vì rửa chén bát dưới vòi nước thì bạn có thể giảm đi một nửa lượng nước sử dụng khi rửa chén bát bằng cách rửa chúng trong một bồn xà phòng và tráng lại trong một bồn nước lạnh khác. Tái sử dụng nước rửa rau củ quả để tưới cây.
Đối với những dụng cụ nấu nướng nên sử dụng nồi có kích thước phù hợp khi nấu vì nồi càng nhỏ sẽ cần càng ít thời gian để làm nóng. Tủ lạnh nên để cách tường và đặt xa các nguồn nhiệt sẽ giúp tủ lạnh không phải tốn nhiều năng lượng khi hoạt động. Nên có thói quen làm sạch giàn lạnh của tủ lạnh định kỳ mỗi tháng.
Có rất nhiều cách tiết kiệm điện mà vẫn thoải mái và tiện dụng trong phòng khách, phòng ngủ. Khi trời nắng nên nóng cửa chớp hoặc kéo rèm cửa để nhiệt độ trong phòng được mát vì ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào cửa sổ không được che chắn có thể khiến hóa đơn tiền điện nhà bạn tăng 20%.
Ngoài ra, nếu có điều kiện và không gian, hãy biến mái nhà hoặc ban công thành một không gian xanh bằng cách trồng cây. Việc này sẽ “hạ nhiệt” cho ngôi nhà và cho cả thành phố.
| |
Nguyễn Hùng Việt