Các năm Dậu đáng nhớ trong lịch sử

Là loài vật chăm chỉ, nhanh nhẹn, hữu ích, lại được thuần hóa từ lâu và nuôi phổ biến trên khắp thế giới. Gà liên quan mật thiết và ảnh hưởng sâu rộng tới những giá trị tinh thần của nhân loại. Đối với Việt Nam, những năm Gà (năm Dậu), cũng là những mốc son rực rỡ, ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Các năm Dậu đáng nhớ trong lịch sử

Là loài vật chăm chỉ, nhanh nhẹn, hữu ích, lại được thuần hóa từ lâu và nuôi phổ biến trên khắp thế giới. Gà liên quan mật thiết và ảnh hưởng sâu rộng tới những giá trị tinh thần của nhân loại. Đối với Việt Nam, những năm Gà (năm Dậu), cũng là những mốc son rực rỡ, ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.

* Năm Đinh Dậu 157, nhân dân vùng Cửu Chân và Nhật Nam (miền Trung) nổi dậy đánh chiếm các quận huyện, làm lao đao chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán.

* Năm Đinh Dậu 937, tháng 12, Ngô Quyền kéo binh từ châu Ái (Thanh Hóa) gấp rút chuẩn bị chống ngoại xâm để sau đó làm nên chiến thắng oanh liệt Bạch Đằng, đánh tan giặc Nam Hán, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc ta.

* Năm Kỷ Dậu 1009, tháng 11, Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi vua, khai sinh triều Lý và chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Ông đại xá toàn quốc, xóa bỏ tù ngục, kiện tụng; cho phép những người có việc tranh chấp, kiện cáo được đến tận triều đình tâu bày, đích thân vua sẽ phân xử.

* Năm Kỷ Dậu 1069, tháng 3, Lý Thường Kiệt cầm binh đi dẹp giặc Chiêm Thành xâm lấn biên giới phía Nam. Quân ta đại thắng, bắt được vua Chế Củ cùng 50.000 quân Chiêm.

* Năm Ất Dậu 1225, tháng 11, Lý Chiêu Hoàng kết hôn rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, kết thúc thời Lý, lập ra triều Trần.

* Năm Tân Dậu 1261, tổ chức nhiều cuộc thi viết, tính toán và thi nghiệp vụ cho những người làm việc tại các cơ quan công quyền, y dược, tế lễ. Thực hiện chế độ tuyển quân rộng rãi cả ở cấp trung ương và địa phương.

* Năm Ất Dậu 1285, tháng 1, Thượng hoàng Thánh Tông tổ chức Hội nghị Diên Hồng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông. Suốt nửa năm tiếp theo, dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Hưng Đạo, quân dân ta ngoan cường chống trả, đánh tan 50 vạn quân Nguyên-Mông xâm lược. Ngày 9 tháng 7, triều đình và quân đội nhà Trần trở về thủ đô Thăng Long ăn mừng chiến thắng.

* Năm Đinh Dậu 1297, tháng 3, tiến hành sâu rộng cải cách hành chính cơ sở: duyệt định dân binh các xã, đổi giáp thành hương, thay mới cơ chế quản lý và quan chức địa phương.

* Năm Ất Dậu 1405,  tháng 10, triều Hồ định lại quy chế quân ngũ, chia lực lượng vũ trang thành nhiều ban, vệ, đội dưới sự điều hành chung của Đại tướng quân. Cũng năm này, tổ chức nhiều cuộc thi khoa học, văn hóa, triết luận và tích cực phòng thủ chống giặc Minh xâm lược.

* Năm Kỷ Dậu 1429, tháng 2, triều Lê ban lệnh trừng trị nghiêm khắc tệ nạn cờ bạc, rượu chè, du thủ du thực. Tháng 3, ban hành chính sách quân điền. Tháng 8, quy định thể lệ tiêu dùng và lưu thông tiền tệ.

* Năm Đinh Dậu 1477, tháng 12, ban hành chính sách lộc điền hướng dẫn việc phong tặng, ban phát ruộng đất cho quan lại và những người có công.

* Năm Tân Dậu 1621,  chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai sứ sang nước Chân Lạp yêu cầu cho người Việt buôn bán ở khu vực Đồng Nai. Linh mục Francesco de Pina và Cristofero Borri dịch quyển kinh thánh đầu tiên ra tiếng Việt.

* Năm Kỷ Dậu 1789, vào đúng dịp Tết, vua Quang Trung lãnh đạo quân Tây Sơn thần tốc tiến ra Bắc, lập nên chiến thắng Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa oanh liệt, đại phá 29 vạn giặc Thanh xâm lược,  giải  phóng  Thăng  Long,  thống  nhất Tổ quốc.

* Năm Đinh Dậu 1837, ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và bảo vệ giá trị lưu thông của tiền tệ, vàng bạc.

* Năm Tân Dậu 1861, nhân dân Nam Bộ kiên cường đứng lên chống Pháp xâm lược với các cuộc khởi nghĩa lớn của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Phan Văn Đạt và Lê Cao Dũng.

* Năm Ất Dậu 1885, ngày 5 tháng 7, Tôn Thất Thuyết chỉ huy tấn công giặc Pháp ở kinh thành Huế, rồi đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, phát động phong trào Cần vương chống Pháp, được nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.

* Năm Ất Dậu 1945, ngày 15 tháng 5, thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 13 tháng 8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 19 tháng 8, giành được chính quyền tại Hà Nội. Ngày 30 tháng 8, vua Bảo Đại thoái vị, chế độ phong kiến Việt Nam sụp đổ. Ngày 2 tháng 9, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

* Năm Kỷ Dậu 1969, tháng 4, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách đối với cách mạng miền Nam. Ngày 1 tháng 7, quân và dân Hà Nội bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.300 trên miền Bắc. Tại miền Nam, ngày 10 tháng 5, thành lập chính quyền cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn; ngày 23 tháng 5, các phong trào tiến bộ tổ chức hội nghị hiệp thương bàn việc triệu tập Đại hội Đại biểu quốc dân đề cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời.

* Năm Tân Dậu 1981, ngày 27 tháng 3, bắt đầu thực thi cải cách toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông. Ngày 12 tháng 6, Chính phủ đặt Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho những công trình khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật xuất sắc.

* Năm Quý Dậu 1993, ngày 12 tháng 7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ. Ngày 26 tháng 7, khai mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Liên hiệp các tổ chức Hòa bình, Đoàn kết, Hữu nghị của Việt Nam. Cũng năm này, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước châu Phi và châu Mỹ.

* Năm Ất Dậu 2005, công cuộc phòng chống tham nhũng được tập trung quyết liệt với hàng loạt văn bản và chính sách liên quan được ban hành, thực hiện. Năm 2005, nhiều công trình trọng điểm quốc gia khởi công (thủy điện Sơn La, lọc dầu Dung Quất, nhiệt điện Hải Phòng, cầu Phú Mỹ). Cũng năm này, ngày 15 tháng 11, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

* Năm Đinh Dậu 2017 này, cả nước bước vào xuân mới với chính trị ổn định, nhiều động thái chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ. Cũng năm nay, chúng ta vui mừng tiến hành nhiều lễ kỷ niệm trọng đại và 40 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc (20/7/1977-20/7/2017).

 Gà Đông Tảo - gà tiến vua

Gà Đông Tảo - một trong loại gà tiến vua - tưởng như bị mai một đang được hồi sinh mạnh mẽ trong mấy năm gần đây ở vùng quê Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Từ Hà Nội, chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ là về tới đây...

Các năm Dậu đáng nhớ trong lịch sử ảnh 1

  Các cụ cao niên trong làng Đông Tảo kể lại, giống gà cổ truyền của làng xưa được dùng tiến vua, được sử dụng trong các lễ vật cúng tế, hội hè bởi có tướng đẹp, đôi chân to đặc trưng, xù xì, toát lên vẻ oai hùng, bề thế. Không chỉ vậy, các món ăn làm từ thịt gà Đông Tảo là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sức khỏe. Thịt gà ngon, ngọt. Những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau nhưng trong thịt không có gân, không dai. Thịt ức gà không khô mà ăn rất mềm ngọt. Cả hình dáng khác biệt đến chất lượng thịt đặc biệt đã khiến gà Đông Tảo thuần chủng được đánh giá là gà quý hiếm của Việt Nam.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở gà Đông Tảo chính là đôi chân to khác thường, xù xì, màu đỏ tía. Vảy chân gà là vảy thịt, thay vì vảy sừng như các giống gà khác. Gà trống được cho là quý hơn gà mái vì dáng vẻ đẹp hơn, thịt gà cũng ngon ngọt, giòn hơn. Gà  Đông Tảo thuộc giống gà to con, khi trưởng thành có thể nặng 5 - 7kg. Giá của mỗi kilôgam gà Đông Tảo phụ thuộc vào đôi chân to hay bé. Ngày thường, giá gà khoảng 350.000 đồng/kg nếu chân gà có đường kính khoảng 34mm; giá 150.000 đồng/kg nếu chân 27mm. Tuy nhiên, cả đàn gà thì thường chỉ được khoảng 10% - 20% chân to, còn lại là chân nhỏ. Ngày tết, giá gà Đông Tảo đắt hơn do nhiều người lùng mua để biếu tặng. Những cặp gà đẹp có thể có giá vài chục triệu đồng. Gà Đông Tảo thường chỉ nuôi 6 tháng thì đạt trọng lượng khoảng 3kg là có thể xuất bán, nhưng gà để bán tết phải nuôi từ 1 - 2 năm mới đạt yêu cầu. Hiện tại, trên địa bàn huyện Khoái Châu, thủ phủ của gà Đông Tảo, lượng  người nuôi rất đông, các hộ nuôi lẻ từ 100 - 500 con, bên cạnh đó có tới mấy chục trang trại nuôi quy mô lớn - cả ngàn con/trang trại.

Gà Đông Tảo khó nuôi, rất dễ bị bệnh, đẻ ít, nên người nuôi cũng có rủi ro nhất định. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại gà na ná với loại gà này và được gắn mác Đông Tảo. Với những người không sành chơi gà Đông Tảo, không biết cách chọn gà Đông Tảo thuần chủng rất dễ bị mua phải gà lai tạp, chất lượng giống kém với giá cắt cổ. 

Anh Trần Văn Thanh (ngụ Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh có một người em kết nghĩa ở ngay xã Đông Tảo. Đã 5 năm nay, dù năm khó năm thuận, nhưng cứ dịp tết về, gia đình người em lại cố biếu anh bằng được một cặp gà Đông Tảo để thể hiện ân tình. “Năm đầu tiên được biếu cặp gà Đông Tảo, tôi không dám dành riêng cho mình mà mang về quê biếu bố mẹ. Đêm giao thừa, tôi hì hục làm thịt chú gà trống để cúng tổ tiên. Thật sự vất vả để làm sạch đôi chân của gà Đông Tảo. Rất mất thời gian, rất mất công sức. Phải tỉ mẩn bóc đi lớp vảy xù xì. Bù lại, khi đã xử lý xong, ta sẽ có một chú gà trống cùng đôi chân tuyệt đẹp dâng cúng tổ tiên trong đêm giao thừa.

Cái cảm giác được dâng tổ tiên một đặc sản quý hiếm thật khó tả”, anh Thanh chia sẻ. Sau khi dâng cúng tổ tiên, gia đình quây quần bên nhau thưởng thức món thịt gà Đông Tảo. Cặp chân được chặt thành nhiều miếng nhỏ để có thể chia đều cho mọi người, thậm chí để dành cho cả những người ở xa về ăn tết muộn. Cùng cha mẹ, người thân thưởng thức miếng thịt gà vừa giòn vừa dai, vừa ngọt thơm trong mùi hương trầm thoang thoảng, cảm xúc đó thật khó quên.

Có sự liên tưởng thật độc đáo: nhìn mấy chú gà Đông Tảo giống như các võ sĩ Sumo sắp lâm trận. Ngày xuân có món chân gà Đông Tảo tiềm thuốc bắc, ăn ngon đến không dễ quên…

THẢO NGUYÊN

HUY HOÀNG

Tin cùng chuyên mục