Các nước đang phát triển chiếm đến 95% số ca tử vong do thiên tai

Ngày 24-10, tại Hà Nội,  Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) tổ chức hội thảo “Thành quả của IPCC và các hành động của Việt Nam về biến đổi khí hậu”.
Các nước đang phát triển chiếm đến 95% số ca tử vong do thiên tai

(SGGPO).- Ngày 24-10, tại Hà Nội,  Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) tổ chức hội thảo “Thành quả của IPCC và các hành động của Việt Nam về biến đổi khí hậu”.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, hiện Việt Nam cũng như nhiều các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), đang gấp rút hoàn tất các bước để phê chuẩn và triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi.

Trong bối cảnh đó, những thành tựu khoa học chuyên sâu của IPCC góp phần giúp thế giới hiểu rõ hơn về những diễn biến khó lường của BĐKH, đánh giá mức độ tổn thương do BĐKH gây ra. Thống kê của IPCC cho thấy, liên quan đến các tai biến thiên tai, các nước phát triển chịu tổn thất kinh tế cao hơn nhiều lần so với các nước đang phát triển, trong khi các nước đang phát triển lại chiếm đến 95% số ca tử vong (thiệt hại về người). Việc thiếu các giải pháp phòng chống, bảo vệ con người và tài sản là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cập nhật, dựa trên kết quả mới nhất trong Báo cáo tổng hợp AR5 của IPCC. Kịch bản cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong quá khứ và kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho các Bộ, ngành và địa phương, qua đó thực hiện các giải pháp phù hợp về khoa học, công nghệ, các giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm thích ứng với những tác động của BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục