Các tỉnh Nam bộ khẩn trương đối phó cơn bão số 1

(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, đến chiều và tối qua (5-1), bão số 1 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở đảo Trường Sa Lớn và gió cấp 10, giật cấp 12 ở đảo Huyền Trân… Chiều 5-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,8 độ vĩ Bắc và 111 độ kinh Đông, ngay trên khu vực đảo Huyền Trân. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Chiều 6-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7 độ vĩ Bắc và 107,7 độ kinh Đông, cách đảo Côn Đảo khoảng 230km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trên đất liền, bắt đầu từ ngày 6-1, khu vực Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng bởi rìa phía Tây của bão số 1. Mặc dù bão không đi vào đất liền song khối mây dày đặc ở phía Bắc của cơn bão có khả năng gây mưa trên diện rộng cho các tỉnh Nam bộ. Tuy nhiên, lượng mưa không quá lớn do vị trí của bão nằm cách cực Nam của nước ta khoảng 100-300km.

Các tỉnh ven biển ĐBSCL từ Trà Vinh đến Cà Mau đang tích cực triển khai ứng phó với bão số 1 đang hướng vào vùng biển Tây Nam, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn.

Tại Cà Mau, đến chiều 5-1, Ban chỉ huy Ban PCLB tỉnh đã liên lạc được gần 1.105 tàu đang khai thác trên biển để thông báo tình hình bão, chủ động né tránh, tìm nơi neo đậu, trú bão gần nhất. Một trong những biện pháp được tỉnh Cà Mau quan tâm đó là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuẩn bị di dời các hộ dân sống ven các cửa sông, cửa biển, ngoài đê biển. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang như bộ đội, biên phòng, công an và dân quân tự vệ đã đến nhà dân hướng dẫn bà con cách chằn chống nhà cửa để bảo vệ tài sản.

Tại Sóc Trăng, địa phương đã liên lạc được trên 110 phương tiện đang đánh bắt cá ngoài khơi chủ động tìm nơi né, tránh bão. Trên đất liền, tỉnh có phương án di dời khoảng 2.000 hộ dân tại các huyện ven biển như Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu vào chùa, trường học để tránh bão.

Để chủ động ứng phó với cơn bão, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bạc Liêu đề nghị các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành triển khai một số giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền rộng rãi diễn biến cơn bão đến các tầng lớp nhân dân để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo kịp thời diễn biến cơn bão đến các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để phòng tránh; thường xuyên kiểm đếm tàu thuyền, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn để huy động khi cần thiết. 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục