
Ngày 1-8-2007, hàng loạt hãng tin lớn, trong đó có Reuters và BBC, loan tin chiến dịch giải cứu 21 con tin Hàn Quốc tại Afghanistan bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, đó chỉ là tin vịt. Đến ngày 7-8-2007, số phận các con tin Hàn Quốc vẫn mong manh... Việc giải cứu con tin khỏi tay bọn khủng bố là chuyện đánh đổi tính mạng một mất, một còn của các đội đặc nhiệm. Thử nhìn lại vài chiến dịch giải cứu chấn động trên thế giới để thấy vấn đề giải cứu con tin nguy hiểm như thế nào...
Mặt đối mặt với bọn sát thủ

Toán đặc nhiệm Pháp giải cứu con tin bị bắt trên chiếc Air France 8969.
Trưa ngày 26-12-1994, chuông điện thoại tại phòng đại úy Denis de Favier thuộc Lực lượng chống khủng bố Pháp (GIGN) reo vang. Ở đầu dây bên kia, người ta thông báo rằng nhóm Hồi giáo vũ trang (AIG) vừa tổ chức không tặc một máy bay Pháp ở Algeria. Bốn tên AIG đã đột nhập vào chiếc Air France nhờ cải trang thành nhân viên an ninh hàng không. Khi chiếc máy bay Flight 8969 này chuẩn bị cất cánh lúc 11 giờ 15, nhóm khủng bố bắt đầu rút AK-47 ra, rồi thông báo rằng chiếc máy bay nằm dưới sự kiểm soát của chúng. Tất cả phi hành đoàn và hành khách (257 người) trở thành con tin.
Khi hàng loạt xe của GIGN hú còi chạy ra khỏi trụ sở GIGN ở Versailles thì ở Algeria, trên chiếc máy bay, bọn khủng bố lôi sềnh sệch một cảnh sát Algeria ra cửa buồng lái. Mặc những tiếng la khóc van xin của nhiều hành khách, nạn nhân trên vẫn bị bắn vào đầu và bị hất xuống đường băng. Nhóm khủng bố đưa ra tối hậu thư: nếu lực lượng an ninh không chịu rút khỏi khu vực quanh chiếc máy bay và chúng không được cất cánh sang Pháp thì cứ mỗi một giờ sẽ có một nạn nhân bị giết.
Lúc 21 giờ 30, chúng ép một hành khách (đầu bếp của Tòa đại sứ Pháp) phải nói qua radio: “Nếu các ông không để máy bay cất cánh, chúng sẽ giết tôi”. Bộ trưởng nội vụ Pháp Pasqua điện cho bộ trưởng nội vụ Algeria, yêu cầu ra lệnh rút lực lượng an ninh nhưng phía Algeria vẫn chần chừ. Lúc 22 giờ, người ta biết rằng nhóm khủng bố này “không thích đùa” khi thấy xác của anh đầu bếp bị hất văng ra ngoài máy bay. Cuối cùng, 2 giờ sáng, chiếc Air France 8969 được phép cất cánh sang phi trường Marseilles của Pháp, sau khi 63 hành khách được thả…
Tại phi trường Marseilles, nhóm của Favier chuẩn bị bày binh bố trận. Các tay bắn tỉa được bố trí nằm trên tháp điều khiển. Lực lượng nhảy dù đặc biệt thuộc cảnh sát quốc gia (Escadron Parachutiste de la Gendarmerie Nationale), với bộ đồ màu xanh lá, được bố trí nằm trong đám cỏ cao chạy dài theo đường băng. Chánh sở cảnh sát Marseilles – Alain Gehim – được giao nhiệm vụ thương lượng trực tiếp với nhóm khủng bố. Vào khoảng trước bốn giờ chiều, các thành viên đội đặc nhiệm đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ đội mũ Kevlar, đeo kính đêm Plexigla, trùm vớ đen kín đầu và mặc áo giáp. Họ kiểm tra nhiều lần khẩu tiểu liên 9 li MP-15 và súng ngắn 357 magnum.
Cuộc tấn công có thể được thực hiện bất cứ lúc nào nhưng Favier muốn đột kích lúc chạng vạng. 5 giờ chiều, hiệu lệnh tấn công của Favier đã được chuyển đến bộ bắt sóng trong mũ các thành viên. Ngay lúc đó, đột nhiên, tiếng động cơ gầm lên và máy bay bắt đầu lăn bánh, hướng về phía tháp điều khiển. Yahia hét to: “Tao hành động đây, nếu bọn mày không cho nạp nhiên liệu trong vòng 15 phút!”. Chánh sở cảnh sát Gehim hoảng hốt trấn an rằng xe bồn nhiên liệu đang trên đường đến. Lúc 5 giờ 8 phút, một nòng súng từ cửa sổ máy bay thò ra, vãi đạn vào tháp điều khiển. Gehim và tất cả những người trên đó, kể cả các tay bắn tỉa, phải chịu trận mưa mảnh kính vỡ rơi xuống mình.
“Zero!” – Favier hét lên, ra hiệu hành động tức thời. Ba chiếc xe chở cầu thang lăn bánh, tiếp cận sát máy bay, trong khi đó, một khẩu bắn tỉa trên tháp điều khiển khạc đạn liên tục để dọn đường cho ba xe cầu thang. Khi một xe cầu thang ập sát vào cửa chính, một khối thuốc nổ nhỏ được gắn ngay vào cửa.
Sau khi phá được cửa, vài thành viên đội đặc nhiệm lao vào khiến hai tên khủng bố sửng sốt và bỏ chạy lùi đến khoang lái. Một viên từ khẩu magnum đã kịp khoan vào trán một tên khủng bố. Trong tích tắc, loạt đạn phản công của Yahia và một tên khủng bố khác vãi như mưa về phía đội đặc nhiệm. 6 người bị thương nặng. Toán GIGN đột nhập đầu tiên cố ép bọn khủng bố lùi ngược về phía trước để toán sau tuồn vào từ đuôi máy bay nhằm mở các lối thoát khẩn cấp cứu hành khách. Rất may là không có hành khách nào trúng đạn tuy vài người bị thương nhẹ do lúng túng lúc chạy thoát.
Trong khoang máy bay, cuộc đọ súng tiếp diễn cho đến khi toán đặc nhiệm nghe tiếng hét to của viên phi công: “Ngừng lại, ngừng lại ngay!”. Lao vào buồng lái, nhóm GIGN thấy xác ba tên khủng bố đang nằm đè lên hai viên phi công, mình chúng bị bắn nát. Khối thuốc nổ dưới ghế phi công được kích bằng một hộp điều khiển đặt gần đó nhưng bọn khủng bố chưa đủ thời giờ thực hiện…
Giải pháp đối với khủng bố bắt cóc: không cần thương lượng!
Lúc 11 giờ 30 sáng 30-4-1980, sáu thành viên thuộc nhóm Phong trào cách mạng dân chủ vì nền tự do Arabistan (DRMLA) bất ngờ tấn công vào Tòa đại sứ Iran ở số 16 đường Princes Gate (Luân Đôn, Anh). Chúng vãi đạn tung tóe lên trần nhà để khống chế 26 con tin. Bọn này thuộc thành phần đối kháng với chính phủ Khomeini của Iran, từ lâu nổi loạn đòi quyền tự trị cho Arasbistan – một tỉnh có trữ lượng dầu lớn ở Tây Nam Iran. Bọn khủng bố không biết rằng trong số con tin có sĩ quan cảnh sát Anh Trevor Lock, ông đã có mặt ở đây cùng vài thành viên thuộc Nhóm bảo vệ ngoại giao để lắp đặt các thiết bị báo động…
Sau khi nhận được tin Tòa đại sứ Iran bị khủng bố, toán chống khủng bố C13 thuộc Cảnh sát đô thị Luân Đôn cùng các chuyên gia của C7 thuộc Phân nhánh hỗ trợ của Scotland Yard đã nhanh chóng đến hiện trường. Cùng lúc, tại Hereford, chỉ huy sở của Trung đoàn đặc nhiệm hàng không 22 (thường được biết dưới cái tên SAS), còi báo động hú vang. Một nhóm SAS tinh nhuệ lập tức thu dọn đồ đạc và ra khỏi chỉ huy sở trên những chiếc Land Rover, hướng đến một trại lính tại Công viên Regents (Luân Đôn). Từ nơi đó, kế hoạch giải cứu con tin được phác thảo. Thoạt đầu, SAS định phá các cửa sổ ở tầng trệt và tầng một để xông vào trong nhưng một người nhanh chóng nhận ra rằng toàn bộ cửa sổ ở vị trí này đều thuộc loại chắn đạn và rất chắc, không thể đập bằng búa. Một mô hình Tòa đại sứ được dựng lên ngay trong doanh trại để nhóm SAS có thể nghiên cứu kỹ cách tấn công.
Sự bình tĩnh trả đũa của ba thành viên khủng bố còn lại cho thấy rõ ràng chúng được huấn luyện rất tốt. Chúng lắp băng đạn cực nhanh và hướng ngắm bắn vào đối phương luôn là đầu và ngực. |
Đại sứ quán Iran là tòa nhà năm tầng với 50 phòng. Để quan sát diễn biến bên trong, các chuyên gia C7 đã lắp đặt thiết bị quay phim và micro ở các đoạn tường nối và ống khói. Nhờ vậy, người ta biết nhóm khủng bố đang ở tầng ba, trong khi các con tin bị trói ở hai phòng tại lầu một. SAS quyết định chia đội hình tấn công thành ba tổ bốn người. Tổ thứ nhất sẽ đột nhập ở sau tòa nhà từ phía mái rồi lẻn xuống ban công tầng một và dùng búa đập vỡ cửa chính của tầng này. Tổ thứ hai túc trực ở tầng trệt và tổ ba được chỉ định cắm chốt ở mặt tiền tòa nhà. Để tạo sự hoảng hốt cho bọn khủng bố, nhóm SAS còn mang theo lựu đạn Flash-bang, không có sức hủy diệt nhưng tiếng nổ nghe kinh thiên động địa như bom. Tất cả ý định mang lại một thỏa thuận hòa bình đã trở nên tàn lụi lúc 1 giờ 30 chiều ngày 5-5, khi Oan giết chết Abbas Lavasani – tùy viên báo chí của Iran. 7 giờ tối, bọn khủng bố mang xác Lavasani ra cửa chính để “khoe” và tuyên bố cứ 30 phút sẽ có một con tin chết nếu các yêu cầu của chúng không được đáp ứng. Khi nhận được tin này, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ra lệnh lập tức tiến hành tấn công.
7 giờ 23, các thành viên SAS bắt đầu leo xuống từ mái nhà. Hai cặp đầu tiên leo xuống an toàn nhưng người kế tiếp bị xoắn chân vào sợi dây thừng, khiến anh ta bị đong đưa ngay trước cửa sổ tầng hai. Sự cố này khiến kế hoạch phóng lựu đạn vào tầng hai phải hoãn lại vì sợ sức ép từ bên trong thoát ra sẽ làm chết nhân viên trên. Thay vào đó, SAS dùng búa phá cửa sổ và quẳng lựu đạn Flash-bang vào. Nhân viên bị nạn được cứu và nhanh chóng gia nhập toán tấn công. Lúc ấy, khi đang nói chuyện qua điện thoại với những người thương thuyết, Oan được bọn đàn em cảnh báo rằng có tiếng nổ ở tầng hai. Ra ngoài quan sát, một tên khủng bố thấy toán SAS đang đột nhập. Hắn giơ súng lên nhưng một cảnh sát kịp thời lao đến hất ngã. 7 giờ 26, toàn bộ hệ thống điện của Tòa đại sứ bị SAS cắt và lựu đạn cay được quẳng vào chỗ bọn khủng bố để làm chúng bấn loạn. Sau hồi đọ súng quyết liệt, một tên khủng bố quẳng súng và hét to: “Tasleem!” (Đầu hàng). Không còn tinh thần chiến đấu, Oan thủ một quả lựu đạn, len vào đám con tin mà không ai trong bọn họ dám lên tiếng. Rất may, một tay SAS ở phía sau phát hiện được và dùng báng súng nện vào cổ hắn. Hai tay SAS khác lao đến bắn chết Oan tức thì...
Oan – thủ lĩnh nhóm khủng bố – tuyên bố “mục đích và ý nghĩa” của cuộc tấn công: “Một, chúng tao yêu cầu thực thi nhân quyền. Hai, chúng tao muốn nền tự trị cho vùng đất Arabistan. Ba, chúng tao muốn bọn mày phải thả 91 tù nhân ở Arabistan. Tất cả những yêu cầu này phải được tiến hành trước trưa ngày 1-5, nếu không Tòa đại sứ lẫn con tin sẽ bị nổ tan tác”. |
VIỆT BÌNH