Di dời, giải tỏa ở TP Hồ Chí Minh

Cách nào thoát vòng luẩn quẩn?

Cách nào thoát vòng luẩn quẩn?

Giải tỏa, chờ giải tỏa là cái vòng luẩn quẩn tồn tại ở TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay. Mặc dù lãnh đạo TP luôn đặt quyết tâm: Giải tỏa đi trước một bước việc xây dựng các công trình hạ tầng nhưng thực tế thì vẫn lực bất tòng tâm.

  • Giải tỏa chờ... giải tỏa
Cách nào thoát vòng luẩn quẩn? ảnh 1

Khu vực Dự án Đại lộ Đông - Tây ở quận 5 TPHCM vẫn còn nhiều hộ chưa chấp hành di dời ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án. Ảnh: THÀNH TÂM

Đến sáng 2-3-2005 vẫn còn đến khoảng 750 hộ dân chưa di dời, giao mặt bằng cho nhà thầu xây dựng Đại lộ Đông-Tây. Ban quản lý dự án cho biết, khoảng 300 hộ trong số này đang chờ vào tái định cư ở chung cư Phạm Viết Chánh (Bình Thạnh), số còn lại chờ vào các chung cư khác như Lý Chiêu Hoàng, An Lạc… Tương tự, cuối tháng 2-2005 tại công trường cải tạo, mở rộng đường Trường Chinh, một công trình giao thông trọng điểm đã được thành phố lên quyết tâm hoàn thành vào dịp 30-4-2005, vẫn còn khoảng 20 hộ dân chưa di dời.

Những người dân còn lại này cho biết, lô 10 nằm trong khu vực chung cư Tham Lương (Tân Bình) là nơi họ được bố trí tái định cư vẫn chưa có điện, nước nên họ… đành phải ở lại đây. Dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Văn Cừ đã được lên kế hoạch khởi công xây dựng vào ngày 4-3-2005 nhưng cho đến nay mới giải tỏa được hơn 10%, số còn lại đang được áp giá đền bù và chờ cơ quan chức năng bố trí chỗ tái định cư… Những chuyện như thế này không phải là cá biệt.

Từ 2 năm nay, Sở Giao thông Công chánh TP đã rất nhiều lần lên quyết tâm: “phải giải tỏa được 70%-80% mặt bằng mới khởi công xây dựng công trình”. Quyết tâm là thế nhưng hầu hết các dự án giao thông trọng điểm của thành phố vẫn đang phải tiến hành xây dựng trong bối cảnh vừa làm vừa chờ giải tỏa.

Thành phố gần như không còn đất trống để làm chỗ tái định cư. Muốn có đất để xây dựng nơi tái định cư cho các hộ dân phải di dời để xây cầu, đường thì … thành phố lại phải di dời những người đang ở nơi được chọn làm điểm tái định cư. Do vậy, tiến độ di dời ở các công trình hạ tầng hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ di dời ở nơi tái định cư.

Theo Công ty sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu của Thanh niên Xung phong, chủ đầu tư chung cư Phạm Viết Chánh là nơi đang chuẩn bị đón nhận 300 hộ tái định cư của dự án Đại lộ Đông-Tây, chung cư này đáng lẽ phải được hoàn thành từ khoảng 1 năm trước đây nhưng do vướng 2 hộ dân không chịu giải tỏa nên trùng trình tới bây giờ. Gần chung cư Phạm Viết Chánh là Lô 13 và 14 thuộc cụm chung cư trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), nơi sẽ đón nhận khoảng 260 hộ dân vào tái định cư, đáng lẽ cũng đã phải trong giai đoạn sắp hoàn tất nhưng trên thực tế thì  vẫn … đang chờ giải tỏa.

Giải tỏa… chờ giải tỏa là cái vòng luẩn quẩn tồn tại ở thành phố từ nhiều năm nay. Mặc dù lãnh đạo thành phố luôn đặt quyết tâm: giải tỏa đi trước 1 bước việc xây dựng các công trình hạ tầng nhưng vẫn lực bất tòng tâm.

  • Thiếu một chính sách nhất quán

Cách đây khoảng 2 năm, thành phố đã có chủ trương xây dựng một khung đền bù, hỗ trợ chung cho việc di dời giải tỏa nhưng vẫn chưa hoàn tất được. Hiện mỗi dự án đều có một phương án đền bù, một hội đồng đền bù riêng.  Điều này khiến việc đền bù cho các dự án dù trên cùng một địa bàn nhưng nhiều khi không phối hợp được với nhau. Một hộ dân trên đường Cộng Hòa đã bị giải tỏa đến 2 lần: lần thứ nhất giải tỏa để xây đường Cộng Hòa, lần giải tỏa thứ 2 để xây đường Trường Chinh và sắp tới có nguy cơ sẽ bị giải tỏa thêm một lần nữa để xây dựng nút giao thông Cộng Hòa-Trường Chinh.

Đây là một minh chứng cho sự bất cập trên. Tất nhiên, cũng có cái khó là nếu dự án chưa được triển khai thì không thể xác định được ranh giải tỏa để làm căn cứ giải tỏa. Thành phố lại không thể có ngay vốn để đầu tư cho cả 3 công trình cùng một lúc. Chỉ có một hướng ra cho vấn đề này là phải có quy hoạch giao thông, có quỹ đất dành cho giao thông. Thế nhưng, quy hoạch cũng chưa có, thành ra, việc di dời, giải tỏa cứ lẻ mẻ theo từng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Thành phố chưa xây dựng được khung đền bù chung còn làm cho nhiều hội đồng đền bù rất lúng túng khi xử lý các trường hợp cá biệt. Một cán bộ đã có thâm niên gần 10 năm làm công tác đền bù cho biết: theo quy định, nhà không có giấy tờ hợp pháp được hỗ trợ di dời 25%-30% tổng số tiền đền bù. Có hội đồng áp dụng mức 25%, hội đồng khác 30%, cũng có nơi 27%-28%... Điều này đã gây ra những thắc mắc không đáng có trong dân.

Giải vấn đề này theo chúng tôi có 2 cách. Thứ nhất, nhanh chóng thống nhất chính sách đền bù, trường hợp thật cá biệt mới đưa lên TP giải quyết. Những trường hợp này sau đó phải trở thành “án lệ”. Các rắc rối tương tự về sau cứ căn theo đó mà làm. Thứ 2, về tái định cư, TP  nên tận dụng hoặc mua lại những nhà xưởng của các doanh nghiệp phải di dời ra ngoại thành theo chương trình chống ô nhiễm để xây nhà tái định cư. Điều này sẽ tránh được vòng luẩn quẩn: di dời rồi lại di dời.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục