Các vấn đề KHXH cần nghiên cứu tại TPHCM

Cách nhìn từ các nhà khoa học

Cách nhìn từ các nhà khoa học

Sáng 11-12, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội thảo “Bàn về các vấn đề khoa học xã hội và nghiên cứu tại TPHCM” (ảnh). Tại đây, chúng tôi đã ghi lại được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này, từ những góp ý về đề tài nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đến việc nghiên cứu thế nào, ứng dụng sao cho hiệu quả…

Nghiên cứu gì?

Một cách cụ thể, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Quang Vinh - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng hiện có một số đề tài cần nghiên cứu về thanh niên, giai cấp công nhân, doanh nghiệp… những đối tượng chủ yếu của xã hội, phản ánh rõ nhất bộ mặt kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy, ngành KHXH cần quan tâm nghiên cứu những vấn đề này.

Cách nhìn từ các nhà khoa học ảnh 1

Ông Phan Xuân Biên đang phát biểu tại hội thảo sáng 11-12. Ảnh: Tiêu Hà

Nói về các đề tài cần nghiên cứu hiện nay, TS Hồ Thiện Hùng – nguyên Phó ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy, cho rằng cần phải bổ sung thêm các đề tài mang tính cấp bách, thực tiễn như: lấy ý kiến của dân, nghiên cứu dư luận xung quanh chủ trương, chính sách của Nhà nước. “Đó là bằng chứng cụ thể nhất để tham mưu cho Nhà nước, có tính ứng dụng cao, tại sao chúng ta không làm?”, TS Hùng nêu câu hỏi.

Nhận định một cách hệ thống hơn, tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, cho rằng cần đặt ra chiến lược phát triển nghiên cứu KHXH lâu dài, cụ thể đến năm 2020 để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển xã hội; riêng các đề tài của TP trước hết phải đóng góp cho nhu cầu của TP và cao hơn là cho kinh tế - xã hội quốc gia.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, việc chúng ta cần làm ngay là điều tra, tổng hợp tiềm lực nghiên cứu KHXH của TPHCM để xác định vị trí và mục tiêu hoạt động cho ngành trong tương lai. Trong đó bao gồm xác định lại lực lượng làm khoa học, cơ chế tổ chức và chất lượng của các đề tài đã và đang nghiên cứu. TS Trần Du Lịch cho rằng vấn đề đặt ra là ai nắm đầu mối thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu KHXH để tránh các đề tài trùng lắp.

Hoàn toàn đồng ý với ông Trần Du Lịch về việc cần nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển của thành phố, ông Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, giải thích sự trùng lắp về tên đề tài trong nghiên cứu KHXH: “Cần được xem xét khía cạnh này cụ thể từng trường hợp.

Vì tính phức tạp của nghiên cứu khoa học xã hội, UBND TP cũng không thể bắt buộc các đề tài không được trùng lắp nhau, có khi, đề tài tên giống nhau nhưng khác về nội dung. Và đôi khi trùng lắp nội dung hay đối tượng nghiên cứu nhưng vẫn có thể khác nhau khi thời điểm chọn nghiên cứu là khác nhau…”.

Nghiên cứu ra sao?

Xoay quanh vấn đề đầu ra, tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu KHXH, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh sử dụng thuật ngữ tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học công nghệ là không đúng, cần phân biệt rạch ròi tính ứng dụng của khoa học và công nghệ, ngay cả trong lĩnh vực tự nhiên hay xã hội.

Nghiên cứu khoa học mang tính phát hiện, xử lý và nâng cao kiến thức, lý luận nên không thể ứng dụng. Chỉ có công nghệ mới mang tính ứng dụng. Vì vậy, theo ông Lịch, để nâng cao khả năng ứng dụng thực tế của nghiên cứu KHXH thì các nhà khoa học phải tìm cách chuyển giao kết quả nghiệm thu tốt trở thành công nghệ ứng dụng vào đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Cùng tán thành quan điểm trên, PGS-TS Bùi Khánh Thế, Hiệu phó Trường Dân lập Ngoại ngữ - Tin học, cho rằng cần rà soát lại tiềm năng nghiên cứu KHXH để quản lý theo cơ chế tập trung, dân chủ và cạnh tranh trong khoa học. Đứng ở góc độ một nhà giáo dục, PGS Thế nhận định rằng các trường ĐH cần thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa đào tạo vừa nghiên cứu khoa học, nhưng hiện nay, các trường ĐH có xu hướng nặng về phần đào tạo mà “quên” dần nhiệm vụ thứ hai.

“Nếu phát triển được mạng lưới các trường ĐH trở thành viện nghiên cứu thì tính cạnh tranh trong khoa học sẽ được nâng cao, góp phần giải quyết bài toán chất lượng ứng dụng cho nghiên cứu KHXH hiện nay”, PGS Thế phát biểu tại hội thảo.

Xoay quanh việc giải bài toán chất lượng trong nghiên cứu KHXH, PGS-TS Bùi Thế Cường, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, nhận định: “Nguyên nhân của việc chất lượng nghiên cứu KHXH của chúng ta chưa cao có thể là ở khâu phương pháp nghiên cứu của chúng ta đã lạc hậu. Vì vậy chúng ta cần đổi mới phương pháp và tư duy nghiên cứu ở người làm khoa học. Và để làm được điều đó thì kinh phí đầu tư cần phải được cải thiện để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu hiện đại”. 

TIÊU HÀ – HỒ XUNG

Tin cùng chuyên mục