Cải cách thực chất

“Mong Chính phủ mới chú trọng cải cách thể chế một cách thực chất thay vì điều hành theo kiểu xoay xở chỉ để có thêm không phẩy mấy điểm phần trăm tăng trưởng”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn bình luận tại cuộc hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý 1-2016 do CIEM tổ chức hồi đầu tuần, tại Hà Nội.

Không phủ nhận ý nghĩa của tỷ lệ tăng trưởng, song TS Nguyễn Đình Cung muốn nhấn mạnh rằng, những cải thiện thực chất trong môi trường kinh doanh, trong đời sống của người dân còn quan trọng hơn là con số. Và muốn vậy, có thể phải chấp nhận một giai đoạn “chịu đau”, chấp nhận trả giá cho những yếu kém trước đó, chứ không chỉ dọn dẹp theo kiểu “lấy thảm che rác”.

Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế hiện vẫn dở dang và có phần chưa thực chất. Tái cơ cấu đầu tư công chưa khắc phục được một cách cơ bản đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí và thất thoát; chưa được phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh và hiệu quả vẫn thấp. Xử lý nợ xấu ngân hàng cũng chưa triệt để, khiến cho lãi suất không thể giảm như kỳ vọng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn đó, mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật, chính sách mới được ban hành từ năm 2014…

Để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, bên cạnh những điểm mạnh (như ổn định vĩ mô, chi phí lao động còn thấp, địa chính trị định hướng thương mại thuận lợi), dư địa cải cách chính là… những điểm yếu hiện tại. Đó có thể là những điểm yếu hữu hình như nguồn tài sản khổng lồ đang bị sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, hoặc đang ở dưới dạng “đóng băng”, phi sản xuất; là tài nguyên thiên nhiên bị khai thác lãng phí; lao động dồi dào nhưng chưa được sử dụng hết, chưa toàn năng. Đó còn là những điểm yếu “vô hình” như cơ hội đầu tư vẫn bị đè nén; những sáng kiến, sáng tạo đang bị kìm hãm hoặc bị làm thui chột... “Khắc phục những điểm yếu này, chắc chắn Việt Nam không chịu đứng ở vị trí thứ 7 ASEAN về năng lực cạnh tranh như hiện nay”, TS Nguyễn Đình Cung bình luận.

Nêu ra những khuyến nghị cụ thể, nghiên cứu của CIEM đề cập đến việc các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu tâm tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất trong quý 2. Hội nhập kinh tế quốc tế được coi là ít chuyển biến trong quý 2, song nếu có chính sách chuẩn bị/đón đầu phù hợp thì cũng có thể cho tác động sớm, tích cực. Tuy nhiên, việc chuẩn bị ở đây không chỉ là phê chuẩn (Hiệp định TPP - PV) và nội luật hóa, mà còn là tăng cường thông tin và tham vấn. Đáng lưu ý, TS Nguyễn Đình Cung nêu rõ quan điểm “giảm thu - giảm chi”, theo đó cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, chấm dứt điều chỉnh tăng các loại phí, thuế (thậm chí trong 5 năm tới); đồng thời rà soát lại các khoản mục chi để loại bỏ những khoản mục lãng phí, chưa cần thiết. Đấu giá công khai tài sản nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh nghiệp đang có lãi, trong lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối; chấm dứt việc “cứu trợ” các doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả… cũng là những đề nghị quyết liệt của nhóm nghiên cứu của CIEM. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chính sách lãi suất gửi USD bằng 0% ở thời điểm này được đề nghị xem xét, sửa đổi, vì sẽ làm ngoại tệ chảy ra nước ngoài, trong khi nền kinh tế còn đang rất thiếu vốn. 

Cần nói thêm rằng rất nhiều ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp đề cập đến yêu cầu xây dựng, củng cố niềm tin kinh doanh. Niềm tin này không chỉ đến từ các chính sách kinh tế mà còn xem xét đến toàn bộ khung khổ pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực dân sự, hình sự cũng như quá trình thực thi luật pháp. Nhiều ý kiến cho rằng xu hướng hình sự hóa các quan hệ dân sự  là điều cần xóa bỏ,  bởi nó dập tắt tinh thần khởi nghiệp và ngọn lửa sáng tạo.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục