Cái chổi

Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm/Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ… Lời bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Hà Đức Hậu, trẻ con cả nông thôn và thành thị thập niên 70, 80 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc. Nó nằm trong chương trình dạy cho trẻ con mẫu giáo. Nét nhạc vui tươi, lời thơ giản dị, dễ nhớ.

Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm/Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ… Lời bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Hà Đức Hậu, trẻ con cả nông thôn và thành thị thập niên 70, 80 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc. Nó nằm trong chương trình dạy cho trẻ con mẫu giáo. Nét nhạc vui tươi, lời thơ giản dị, dễ nhớ.

Cho đến tận bây giờ hình như vẫn chưa có bài hát thiếu nhi nào được nhiều thế hệ trẻ con yêu thích đến thế. Bện chổi là công việc người già và trẻ nhỏ ở nông thôn ai ai cũng biết. Vài đứa trẻ lớn ở thành phố sơ tán về nông thôn những năm 1960 cũng tập tành bện chổi.

Cái chổi không phải lần đầu tiên và duy nhất có mặt trong văn chương, nghệ thuật. Trong cuốn Thánh Tông di thảo của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã có truyện Ma chổi. Một câu chuyện huyền bí mang màu sắc Liêu Trai rất rõ của văn học thời ấy. Cái chổi về sau còn được nhà thơ Tố Hữu đưa vào bài thơ Tiếng chổi tre. Học sinh cấp 3 từ sau năm 1960 ai cũng học thuộc lòng. Hơi khó thuộc vì thể thơ bậc thang mới lạ nhưng đó là bài thơ tiêu biểu ca ngợi giai cấp công nhân từng có mặt rất nhiều lần trong đề thi tốt nghiệp.

Chổi dĩ nhiên được dùng để quét. Tiếng Việt không phân biệt nhiều lắm các loại chổi. Chỉ gọi chung là chổi mà thôi dù rằng vật liệu, cách thức chế tạo và công dụng tùy nơi tùy chỗ có khá nhiều khác biệt. Vùng đồi núi trung du người ta làm chổi bằng lá cọ, cây chổi xể. Chổi này cũng chỉ quét sân vườn và những nơi rộng rãi. Vài nơi có chổi thông buộc bằng lá thông. Nhà chùa quét bàn thờ và thợ quét giấy điệp in tranh dân gian hay dùng. Miền xuôi có chổi tre rất thông dụng. Nan chổi chẻ bằng cật tre bó lạt. Tùy theo người sử dụng mà tra cán dài ngắn khác nhau. Những năm trước, các gia đình Hà Nội thường có vại nước gạo để chứa thức ăn thừa nuôi heo. Những người đến xin nước gạo thường trả bằng vài cái chổi tre và chổi rễ (dũa tre cọ nồi) mỗi tháng. Chổi ấy để quét sân và khu vệ sinh của những ngôi nhà trong phố đã chia năm xẻ bảy sau hòa bình.

Cái chổi thông dụng nhất vẫn là chổi lúa. Bện bằng rơm nếp vàng óng. Cả nông thôn và thành thị đều dùng nó để quét nhà. Nền đất và nền gạch đỏ chỉ nó mới có thể quét sạch. Nền gạch hoa ở phố trước khi lau cũng cần chổi lúa để quét. Người bán chổi hàng ngày gánh trên phố rao vang trời: Ai chổi lúa, chổi nan, chổi xể đây! Bán năm cái chổi chưa mua nổi cân gạo quê. Nhưng rơm vàng và nhân lực thừa ra sau vụ gặt cũng chẳng biết dùng vào việc gì.

Ở thành phố thịnh hành chiếc chổi phất trần. Làm bằng lông gà bó sơn ta lên cán trúc. Chủ yếu quét bụi trên sập gụ tủ chè và giường chiếu. Cán của nó là một công cụ dùng để dạy dỗ trẻ con rất thông dụng. Đã nhiều đứa trẻ nên người nhờ cái cán phất trần. Thực ra loại chổi này xét về mặt khoa học là hoàn toàn vô dụng. Nó chỉ đưa bụi từ chỗ này sang chỗ khác và chui vào mũi người sử dụng. Nhưng nó vẫn đắc dụng khi để trong cốp những chiếc ô tô. Thời gian chờ thủ trưởng, tài xế có thể mang ra phẩy bụi cho xe.

Giờ thì ở thành phố chỉ còn mỗi công nhân vệ sinh môi trường dùng cái chổi tre truyền thống. Chổi của họ vẫn là những nan tre chẻ dài vót tròn cẩn thận. Tuy nhiên nhát chổi có phần thưa thớt hơn nhiều. Hình như cái chổi tre đã bắt đầu bất lực trước số lượng rác rưởi khổng lồ dân phố xả ra hàng ngày. Đến mức có vài ông khách ngoại quốc ở Hà Nội thỉnh thoảng cũng phải tự biến mình thành “cái chổi” để tham gia nhặt rác.

Rất lâu rồi không nhìn thấy cái chổi lúa, chổi xể ở thành phố nữa. Nhà nhà dùng chổi sợi bông công nghiệp. Gọi là chổi lau nhà. Nó chỉ còn giống cái chổi ở mỗi chiếc cán mà thôi. Và cũng không dùng để quét. Chổi quét vỉa hè trước cửa hoàn toàn bằng nhựa. Tha hồ bền.

Nhiều gia đình ở phố bây giờ sử dụng máy hút bụi. Cũng không còn nhìn thấy cái chổi phất trần phi khoa học nữa. Máy hút bụt phát ra âm thanh chẳng kém gì máy khoan tường. Một tuần ít nhất nó cũng “khoan” vào tai một lần. Các cụ già mắt mũi kèm nhèm thường hút vào đấy khá nhiều đồ vật nhỏ dùng hàng ngày. Lọ thuốc đau mắt, cuộn chỉ thêu, đồ chơi lego, vỉ thuốc uống dở, vài cái núm vặn ở ampli máy nghe nhạc. Cũng có khi là cả chùm chìa khóa. May mà con cháu biết chắc chỗ tìm nên không thể mất.

Gần đây có phong trào các nhà văn viết lại chuyện cổ tích. Chẳng biết họ sẽ cho phù thủy cưỡi gì nếu như cái chổi không còn nữa?

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục