Sổ tay

Cái giá phải trả cho môi trường

55 tỷ đồng được UBND TPHCM trích từ ngân sách TP để thực hiện cải tạo kênh Ba Bò, quận Thủ Đức, TPHCM, được xem như cái giá mà chúng ta đang phải trả cho môi trường. Và cái giá này sẽ còn cao hơn gấp nhiều lần trong tương lai, nếu ngay từ bây giờ, mọi biện pháp nhằm buộc doanh nghiệp phải xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường chưa được siết chặt.

Hệ quả của việc phát triển kinh tế mà thiếu quan tâm bảo vệ môi trường là không chỉ kênh Ba Bò bị ô nhiễm mà hầu hết các kênh rạch, sông ngòi trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, đều ít nhiều bị ô nhiễm. Nguy hiểm hơn, những tác hại do ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng, làm gia tăng gánh nặng về y tế.

Ấy thế nhưng sự tác động trên ít nhiều vẫn chưa được các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương quan tâm đúng mức. Chỉ đến khi sự việc ngày càng trở nên nhức nhối, dư luận buộc phải lên tiếng, thì vấn đề ô nhiễm môi trường mới được đưa ra giải quyết.

Mặt khác, cách giải quyết khả thi nhất hiện nay đang được áp dụng là trích tiền từ ngân sách nhà nước để cải tạo hiện trạng môi trường bị ô nhiễm (cải tạo sông, kênh rạch…). Điều này cho thấy, chúng ta đang phải trích tiền thuế đóng góp của người dân để khắc phục sự ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp gây nên.

Trong khi đó, lợi nhuận nhờ “ăn” trên chi phí xử lý môi trường (do doanh nghiệp không đầu tư hoặc không vận hành hệ thống xử lý chất thải...) thì lại rơi vào “túi” các doanh nghiệp.

Vấn đề này cũng đã được các cơ quan chức năng nhận thấy rõ. Nhiều chính sách, quy định, biện pháp xử lý nhằm siết chặt công tác thực hiện bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đã được ban hành nhưng xem ra hiệu quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn.

Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục cố tình trốn tránh nghĩa vụ xử lý chất thải phát sinh trong sản xuất trước khi thải ra môi trường. Hình thức vi phạm cũng ngày càng tinh vi và đa dạng hơn. Nguyên nhân là do một số nơi, việc thanh, kiểm tra, buộc doanh nghiệp phải thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường còn bị buông lỏng; biện pháp xử phạt vẫn chưa được triệt để.

Tính cho đến nay thì có đến hơn 6 cơ quan chức năng khác nhau có quyền thanh, kiểm tra về môi trường. Thế nhưng, hình thức xử phạt cũng như mức phạt chỉ đủ để “gãi ngứa” cho doanh nghiệp. Hiện mức xử phạt cao nhất áp dụng đối với những doanh nghiệp “đen” chưa tới 100 triệu đồng. Và nếu so với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được nhờ trốn thực hiện bảo vệ môi trường thì mức xử phạt thấp hơn rất nhiều.

Vậy nên chăng, đã đến lúc các cơ quan chức năng về môi trường cần phát huy hơn quyền thanh, kiểm tra về môi trường. Mặt khác, cần có những biện pháp xử phạt chế tài mạnh hơn, triệt để hơn, thậm chí phải liệt những doanh nghiệp vi phạm môi trường vào hình thức tội phạm môi trường và phải bị khởi tố như các loại hình tội phạm khác, thì cái giá mà nhà nước đang phải trả cho môi trường mới rẻ hơn được trong tương lai.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục