"Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu tục ngữ quen thuộc trong văn hóa của người Việt Nam mà bất cứ ai sinh ra và lớn lên cũng không ít lần được học, được dạy. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống hiện nay lại cho thấy có nhiều cái đẹp lại thiếu đi cái nết. Gần đây, trong tang lễ một nhà văn nổi tiếng, do người thân của nhà văn làm việc trong lĩnh vực giải trí nên rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã đến viếng lễ tang. Họ đều đẹp, đều xinh xắn, nổi bật, thế nhưng trong đó lại có người thể hiện cái đẹp một cách không đúng chỗ. Một số người đẹp đã đến viếng lễ tang trong những chiếc váy ngắn, ôm sát, cao trên đầu gối khoe đầy đủ vẻ đẹp của đôi chân dài nhưng lại vô cùng chướng mắt khi xuất hiện trong một bối cảnh u buồn, trang nghiêm như tang lễ.
Dĩ nhiên, ai cũng biết là ăn mặc như vậy đi lễ tang là không hợp nhưng một số giải thích rằng vì họ đang đi diễn, rằng nghe tin bác mất họ rất buồn, vội đến viếng gấp nên không kịp cả thay trang phục… Thế nhưng tang lễ không phải bất chợt, cũng không phải chỉ diễn ra trong một buổi, càng không phải ở nơi xa xôi hẻo lánh đến độ không có điều kiện tìm trang phục thay thế. Nhiều người đẹp, diễn viên, ca sĩ khác, thậm chí là người nổi tiếng, nói về mức độ bận rộn với biểu diễn chắc cũng chẳng kém ai nhưng họ đến tang lễ với những trang phục đúng mực, phù hợp.
Còn nhớ câu chuyện của một nghệ sĩ lão thành kể lại về đám tang một nghệ sĩ nổi tiếng những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó phương tiện giao thông còn khó khăn, đám tang ngoài Bắc lại chỉ diễn ra trong một buổi nên có người nghệ sĩ thân thiết đi diễn xa về chỉ kịp chạy đến viếng. Chị không vào nhà, chỉ đứng từ xa bái vọng, có người hỏi sao không vào, chị bảo chị chỉ có mỗi bộ trang phục diễn không hợp hoàn cảnh nên không vào được. Người nhà khuyên cứ vào đi, bất đắc dĩ đành chịu thôi nhưng chị nhất quyết không chịu, chị bảo đó là sự tôn trọng, không chỉ với người đã khuất, với người đến tiễn đưa mà với cả chính mình.
Ngày nay, trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, những hình ảnh phản cảm có thể chỉ vài phút sau cả nước nhìn thấy. Chừng 10 năm trước, chuyện đùa giỡn quá lố một chút của một nghệ sĩ trong một chuyến đi du lịch chắc chẳng mấy ai hay. Nhưng ngày nay, chuyện anh mặc quần ngắn đu tượng liệt sĩ rồi lại còn đưa hình lên trang mạng xã hội nơi nhiều người chứng kiến lại trở thành chuyện lớn, gây bất bình trong dư luận.
Dù muốn hay không chúng ta cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của những người của công chúng, những người nổi tiếng đến một bộ phận không nhỏ cộng đồng nhất là người trẻ. Họ bắt chước thần tượng trong cách ăn mặc, trang điểm và thậm chí là cả hành vi cuộc sống. Có những hành vi trong đó là vô văn hóa, phản cảm nhưng ở những lứa tuổi chập chững vào đời, người trẻ đôi khi chưa hiểu hết hệ lụy của hành vi mà chỉ bắt chước, rập khuôn theo dẫn đến những câu chuyện không vui về những hành vi thiếu văn hóa của giới trẻ nơi công cộng.
Cái đẹp nhiều thể hiện một xã hội đang phát triển nhưng cái đẹp thiếu đi cái nết lại thể hiện một sự phát triển thiếu cân bằng. Nhưng để xây dựng, hình thành cái nết thì cần sự chung tay của nhiều người, từ giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội cho đến sự tự giác, tính trách nhiệm của mọi người.
TƯỜNG VY