“Trong thời gian chờ sửa luật, đề nghị TPHCM được tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào cơ sở xã hội. Nếu cuối năm 2015 mà chấm dứt, cắt ngang một cái, mọi việc sẽ trở về như cũ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận nhận định. Và nếu như thế, hệ quả, theo Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận, “TPHCM sẽ… lãnh đủ”!
Người nghiện ma túy học nghề trong cơ sở cai nghiện bắt buộc
“Ăn đong”… chính sách
Từ tháng 12-2014, TPHCM thực hiện tạm thời đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào cơ sở xã hội, theo điểm 5 trong Nghị quyết 77/2014/QH13 của Quốc hội (NQ77). Sau gần 1 năm thực hiện, đến nay, đã có 5.400 người nghiện ma túy được đưa vào các cơ sở xã hội. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố được bảo đảm, số vụ trộm, cướp, cướp giật… được kéo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, NQ77 là nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2015 và vấn đề đặt ra là “hậu NQ77”, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội sẽ được TPHCM thực hiện theo cơ sở pháp lý nào?
Theo UBND TPHCM, kinh phí để đưa một người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian lập hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 3,5 triệu đồng (trong khoảng 20 ngày). Sau khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mỗi tháng thành phố chi cho mỗi người cai nghiện là 900.000 đồng. Trong buổi nghe Thường trực UBND TPHCM báo cáo về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét: “Cả tiền của, cả công sức mà thành phố bỏ ra để giúp một người cai nghiện ma túy là không nhỏ. Chỉ cần một cơ chế, một chính sách không phù hợp thì… phủ sạch hết”.
Sở dĩ thành phố rơi vào cảnh “ăn đong” chính sách là bởi các quy định của pháp luật được ban hành nhưng có quá nhiều vướng mắc, khó thực hiện được trong thực tế. Từ năm 2009, việc cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Đến năm 2014, việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án quyết định, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cũng từ đây, nhiều rắc rối liên tục phát sinh. Luật này có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, ban hành không đồng bộ, dẫn đến cả 11 tháng đầu năm 2014, TPHCM không đưa được người nghiện ma túy nào đi cai nghiện bắt buộc. Phản chiếu hiệu quả của các chính sách lên thực tế cuộc sống ra sao? Từ năm 2010 đến 2014, số người nghiện tại TPHCM gia tăng bình quân hơn 17%/năm, từ gần 9.500 người nghiện ma túy vào năm 2009 lên lần lượt là 11.000 người, 13.100 người, gần 16.000 người, 17.700 người và hơn 19.200 người vào năm 2014.
Luật đang chồng chéo, lại không có văn bản hướng dẫn, làm sao chấp hành? Còn sửa luật thì… rất khó, vì luật mới ban hành. Để “chữa cháy” trong việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc, điểm 5 NQ77 ra đời. An ninh trật tự ở TPHCM qua đó được bảo đảm. Nhưng giờ đây, TPHCM đang đứng trước nguy cơ sẽ “lãnh đủ hậu quả” nếu Trung ương không có quy định cho phép tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, tương tự như điểm 5 NQ 77.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tại phường 14 (quận 8), một “điểm nóng” về ma túy của TPHCM, ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường, chia sẻ rằng trong thời gian chờ sửa luật, địa phương rất mong được tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội. Việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, nếu dừng việc đưa người nghiện không có nơi cư trú vào cơ sở xã hội thì hậu quả thật khôn lường, tình hình an ninh trật tự e sẽ phức tạp trở lại. Đồng thời với việc duy trì đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, ông Tế Ngọc Đức cũng mong muốn nhiều tồn tại, vướng mắc trong công tác này được tháo gỡ kịp thời, để mọi người làm việc hiệu quả. “Đơn cử chuyện que thử, gần đây, trạm y tế phường không còn được giữ que thử. Mỗi khi phát hiện người có biểu hiện nghiện ma túy, anh em ở phường lại phải dong dắt đối tượng lên tận trung tâm y tế dự phòng quận để test. Việc di chuyển người đi như thế rất phức tạp, nguy hiểm. Tại sao việc đơn giản thế không giao cho phường làm cho gọn?”, ông Đức phản ánh.
Theo UBND TPHCM, khó khăn nhất mà TPHCM cần được Chính phủ chỉ đạo các địa phương khác hỗ trợ là việc xác minh nơi cư trú của người nghiện ma túy thuộc các tỉnh, thành. 70% người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố là người từ các tỉnh, thành khác đến. Việc xác minh nơi cư trú rất khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết: “Muốn đạt kết quả, Công an TPHCM phải cử anh em ra “nằm” tại chỗ, phối hợp với địa phương các tỉnh, thành xác minh. Làm được điều này rất khó. Còn nhờ các tỉnh, thành xác minh giùm, thì mặc dù Bộ Công an đã có chỉ đạo, song trên thực tế, đã nhiều lần phối hợp mà… rất khó có kết quả”.
“Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội đưa vào trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2016 có một điểm tương tự như điểm 5 của Nghị quyết 77 để TPHCM tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội. TPHCM có kinh nghiệm, có nhân sự, có nguồn lực rất căn bản để thực hiện; việc làm này không ngoài tầm tay của thành phố, miễn là thành phố có một cơ chế”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định. |
MẠNH HÒA