
Chính quyền thành phố rất mong muốn người dân ở các chung cư cũ có chỗ ở mới đàng hoàng, thay thế cho chung cư cũ xuống cấp trầm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Thế nhưng, thật khó khăn để thực hiện…

Chung cư lô IV, lô VI cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã nghiêng, lún nghiêm trọng nhưng vẫn còn 11 hộ dân chưa chịu di dời
Kiên quyết “bám trụ”
Một tòa nhà cũ kỹ, bong tróc lở lói. Ban đêm giữa phố thị sầm uất, đèn điện sáng choang nhưng nhìn mặt trước tòa nhà chỉ có một ô sáng đèn, nhìn bên hông cũng chỉ có một ô đèn sáng, thật leo lét! Đó là ghi nhận mới nhất của chúng tôi về chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5.
Bước vào cổng chung cư, điều lạ là vẫn có người trực, khi nói chuyện di dời, câu chuyện nóng lên, thu hút đông người tham gia bàn tán. Anh Nguyễn Lộc Thành, ngụ tại căn hộ lầu 10 giới thiệu: “Tôi đại diện cho các hộ còn lại để thương lượng về chỗ ở mới”. Trong tổng số trên 500 hộ dân đã di dời sang 2 chung cư trên đường Nguyễn Biểu, một chung cư trên đường Phan Văn Trị, chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, quận 5; một số ra khu dân cư Hai Thành, Bình Tân. Hiện tại còn 12 hộ chưa di dời, lý do: chưa giải quyết thỏa đáng chỗ ở mới. Anh Nguyễn Lộc Thành tiếp câu chuyện: “Nhà tôi 3 thế hệ, có tổng cộng 9 người, mẹ già 80 tuổi, tôi muốn có chỗ ở mới đàng hoàng lắm chứ. Nhưng khi tính giá đền bù cho căn hộ 24m2 của tôi chưa tới 150 triệu đồng, làm sao tìm được nơi ở mới. Quận cứ bảo là đi rồi tính, nhưng không giải quyết rốt ráo thì mai này biết đâu mà tính”. Chưa tìm được tiếng nói chung, các hộ dân quyết bám trụ, chấp nhận cuộc sống khá khó khăn về vệ sinh, môi trường, kể cả sinh hoạt trong tòa nhà có thể sập bất cứ lúc nào!
Có mặt tại chung cư Cô Giang (quận 1) trong những ngày cuối tháng 6 đầu mùa mưa, mới thấy rõ sự xuống cấp. Một khối chung cư hoang tàn, xơ xác. Tại lô D nhiều tầng bỏ trống không người ở, vết nứt trên bức tường loang lổ, nhiều mảng tường lớn bị bong tróc tạo cảm giác không an toàn. Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn hàng chục hộ dân tiếp tục cư ngụ. Theo phản ánh của họ, nguyên nhân chưa di dời là vì bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa hợp lý; một số hộ dân đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư này có nhu cầu mua hóa giá nhưng do thành phố đã có quyết định di dời nên không giải quyết. Theo kế hoạch, cuối tháng 6-2015 thành phố đã bố trí sẵn 40 căn hộ và sẽ di dời, bố trí tạm cư, tái định cư dứt điểm cho các hộ dân tại lô D chung cư Cô Giang. Mới đây Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 cho biết, còn 36 hộ dân tại chung cư lô D chưa di dời và chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động…
Sau 18 năm sống trong chung cư nghiêng, lún tại lô IV, lô VI cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), hiện còn 11 hộ dân trong tổng số 289 hộ chưa chịu di dời. Nguyên nhân, người dân muốn nhận tiền bồi thường để lo nơi ở mới hoặc yêu cầu quận phải công bố phương án bồi thường và giá mua tại chung cư mới.
Các bên phải cùng có lợi
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn thành phố có 533 chung cư được xây dựng trước năm 1975 với quy mô 50.460 căn hộ. Giai đoạn 2011 - 2015, thành phố lên kế hoạch tháo dỡ 445.000m2 sàn chung cư cũ, hư hỏng, nhưng đến nay mới đạt gần 61% so với kế hoạch! Có nhiều lý do dẫn đến việc chậm trễ: Thị trường bất động sản trầm lắng, nhà nước thiếu kinh phí, thiếu quỹ nhà tái định cư; người dân muốn được di dời đến nơi ở mới gần chỗ cũ để thuận tiện cho con em đi học, làm việc…
Nhằm giải quyết bài toán hóc búa này, Sở Xây dựng TP đã đề xuất một số giải pháp. Đó là, trên cơ sở rà soát hiện trạng và quy hoạch trên địa bàn quận - huyện, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể các dự án xây dựng mới thay thế các chung cư cũ, hư hỏng xuống cấp, kết hợp với chỉnh trang đô thị. “Chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố xem xét, ưu tiên về chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất để đảm bảo khả thi và hiệu quả; đồng thời chủ động chuẩn bị quỹ nhà dự phòng để giải quyết tạm cư, tái định cư cho các trường hợp khẩn cấp”, một lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay. Sở sẽ kiến nghị thành phố ưu tiên chỉ định chủ đầu tư nếu có quỹ nhà gần vị trí chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nơi ở mới gần nơi ở cũ, để thuận tiện cho việc đi lại cũng như chuyện học hành của con em các hộ dân bị giải tỏa. Song song đó, các quận - huyện tập trung kế hoạch cải tạo, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ tại địa phương theo từng năm, có lộ trình ưu tiên thực hiện đối với những chung cư đã kiểm định có chất lượng công trình đánh giá ở cấp độ C, D và sẽ xã hội hóa các chung cư còn lại.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phải có giải pháp giải quyết quyền lợi của các bên. Đối với các hộ dân cư ngụ trong chung cư cũ, cần bổ sung nguyên tắc hoán đổi căn hộ chung cư xây dựng mới có diện tích tối thiểu bằng hoặc lớn hơn căn hộ đã ở trong chung cư cũ. Đối với những hộ đông người, hoặc có nhiều hộ khẩu trong cùng một căn hộ chung cư, thì ngoài căn hộ chung cư xây dựng mới được hoán đổi, còn được quyền mua thêm căn hộ với giá ưu đãi phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng dự án và của từng địa phương, theo công thức giá vốn đã được kiểm toán cộng với lợi nhuận 10%. Đối với nhà đầu tư, được phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, quy mô dân số tối thiểu gấp ba lần hệ số sử dụng đất, không hạn chế chiều cao công trình nếu quy hoạch của dự án cho phép. Bởi lẽ, nếu chỉ tăng tổng diện tích sàn xây dựng mà không tăng quy mô dân số tương ứng thì hiệu quả khai thác, kinh doanh vẫn sẽ bị hạn chế rất lớn, việc thu hồi vốn đầu tư sẽ không khả thi.
Lương Thiện- Hạnh Nhung