Cải tạo những điểm “nóng” giao thông

Một loạt dự án cải tạo những điểm “nóng” về nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM đã được trình lên cấp thẩm quyền xem xét, đề xuất cho triển khai thực hiện ngay trong năm 2013. Điển hình là các điểm nóng ngã sáu Gò Vấp và ngã tư An Sương.
Cải tạo những điểm “nóng” giao thông

Một loạt dự án cải tạo những điểm “nóng” về nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM đã được trình lên cấp thẩm quyền xem xét, đề xuất cho triển khai thực hiện ngay trong năm 2013. Điển hình là các điểm nóng ngã sáu Gò Vấp và ngã tư An Sương.

Ngã sáu Gò Vấp: Cần một cây cầu vượt

Tồn tại lớn nhất ở ngã sáu Gò Vấp, nơi hội tụ toàn bộ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi… đó là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và đường Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi với hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão vào giao lộ. Nhiều ý kiến cho rằng chính đặc thù này đã tạo ra nguy cơ cao về ùn tắc giao thông tại giao lộ huyết mạch thuộc loại hàng đầu quận Gò Vấp. Đã vậy, khả năng thông hành trên đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Văn Nghi quá kém so với lưu lượng xe thực tế vào giờ cao điểm. Còn đường Trần Thị Nghỉ tuy ít xe cộ hơn nhưng khi có ô tô vào ra giao lộ cũng gây ra giao cắt, cản trở hướng lưu thông từ Phạm Ngũ Lão qua Nguyễn Oanh. Điểm nóng ngã sáu Gò Vấp còn có một cái khó là ngay sát nó lại tồn tại một ngã tư lệch khác, giao lộ Nguyễn Kiệm - Hanh Thông - Nguyễn Văn Công.

Phương tiện lưu thông tại ngã tư An Sương. Ảnh: Kim Ngân

Phương tiện lưu thông tại ngã tư An Sương. Ảnh: Kim Ngân

Đầu năm 2012, sau khi khánh thành cầu Phú Long và hoàn thiện nút giao Ngã tư Ga, mật độ giao thông từ quận 12 và các tỉnh phía Đông Bắc thành phố đổ sang quận Gò Vấp theo hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm để vào khu trung tâm càng đông đúc hơn nữa. Qua đó càng làm tăng thêm áp lực cho nút giao ngã sáu Gò Vấp.

Trước tình hình cấp bách phải nâng cấp, mở rộng và phân luồng giao thông lại cho nút giao ngã sáu Gò Vấp, giải pháp đầu tư giao thông khác mức gồm hai giai đoạn cho điểm nóng này đã được vạch ra. Trong giai đoạn đầu, biện pháp chính là làm cầu vượt bằng thép kết hợp phân luồng tổ chức lại giao thông các nhánh rẽ. Theo phác thảo, cầu vượt theo hướng đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh là cầu dầm thép liên hợp, mặt cầu bằng bê tông cốt thép với bề rộng mặt cầu 9m và chiều dài mỗi nhánh gần 220m. Sang giai đoạn hai, hướng đầu tư là xây dựng hầm chui rộng 21m đáp ứng 4 làn xe lưu thông theo hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm trong khi trên mặt bằng tổ chức giao thông bằng đảo xuyến tự điều chỉnh kết hợp với đảo phân làn cho các làn xe rẽ phải. Bấy giờ, đường Nguyễn Kiệm sẽ trở lại giao thông 2 chiều.

Ngã tư An Sương: Hầm chui nữa là đủ

Nút giao thông An Sương hiện hữu là điểm giao cắt giữa hai trục đường xuyên tâm quan trọng là đường Xuyên Á (quốc lộ 22) với đường Trường Chinh và đường Vành đai 2 (quốc lộ 1A). Nút giao này là ngã tư khác mức với một cầu vượt rộng 18m cho 4 làn xe theo hướng quốc lộ 1A trong khi dưới mặt bằng được tổ chức giao thông bằng đảo xuyến, có các làn xe rẽ phải trực tiếp, kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu 3 pha.

Trên quốc lộ 1A phía đi nút giao thông Quang Trung hướng ra xa lộ Hà Nội có một bãi chứa container, bởi thế mỗi khi hết giờ cấm xe tải, các phương tiện xe tải container rồng rắn nối đuôi nhau theo hướng quốc lộ 1A đợi đi qua nút ngã tư An Sương để quay đầu vào bãi chứa. Chưa hết, ở phía góc quốc lộ 22 của nút giao thông lại có một bến xe đầu mối vốn dĩ tập trung hùng hậu các đội xe tỏa đi Tây Ninh khiến cho xe ra vào nút giao càng thêm… hùng hậu.

Chính bởi sự “quần hùng tụ hội” như thế, không có gì khó hiểu khi ở nút giao này, đặc biệt trong các giờ cao điểm hoặc khi hết giờ cấm xe tải, luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ùn tắc lớn, làm tê liệt toàn bộ nút ngã tư An Sương mà lắm khi khởi đầu chỉ từ một sự cố nhỏ nào đó. Giải pháp cho điểm nóng giao thông này, theo ông Võ Khánh Hưng, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải quản lý địa bàn, cần thiết phải có một sự đầu tư cải tạo quy mô, cũng gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, tập trung xây dựng nút giao khác mức trực thông bằng hầm chui theo hướng đường Trường chinh - quốc lộ 22, còn trên mặt bằng tổ chức giao thông bằng đảo xuyến tự điều chỉnh. Bản thân hầm chui sẽ có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô 4 làn xe, trong đó phần hầm kín dài 110m được tách riêng thành hai hầm theo hai chiều lưu thông, mỗi hầm rộng 10m còn phần hầm hở dài 142,5m ở mỗi phía.

Khi đủ điều kiện cho phép triển khai giai đoạn 2, mấu chốt là mở rộng mặt bằng nút và các hướng quốc lộ 1A, quốc lộ 22, đường Trường Chinh. Đồng thời xây dựng thêm 2 cầu ở sát hai bên cầu cũ với quy mô rộng 13,25m phục vụ cho 3 làn xe trong khi dưới mặt bằng sẽ xây dựng các đường kết nối rộng 10m mỗi bên và đường gom hai bên rộng 8m.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục