Cải tạo, phục hồi nhà cổ: Sửa cơ chế, chính sách để hiệu quả hơn

Nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội là những tài sản “đặc biệt” của Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, công tác cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ của TP Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, TP Hà Nội đang có kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy nhanh và hiệu quả hơn công tác cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, qua rà soát, đánh giá, phân loại, hiện nay TP Hà Nội có 1.216 biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 cần quản lý, bảo tồn. Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội, giao chỉ tiêu thực hiện cải tạo, chỉnh trang 20 biệt thự cũ và 10 công trình kiến trúc khác. Hiện đã cải tạo, chỉnh trang xong 12 công trình; đang triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng 7 công trình (do Trung ương và thành phố quản lý); đã hoàn thành cải tạo, chỉnh trang 5 công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng có kế hoạch về việc tiếp tục thực hiện bảo tồn, chỉnh trang 24 biệt thự cũ, 8 công trình kiến trúc khác do thành phố quản lý…

Tuy nhiên đến nay, công tác cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc cũ còn gặp khó khăn do hình thức sở hữu đa dạng nên đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa, thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các chủ thể có liên quan.

Một biệt thự cổ tại Hà Nội bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa cải tạo

Một biệt thự cổ tại Hà Nội bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa cải tạo

Cùng với đó, một số công trình nhà biệt thự đã bị biến dạng về hình thức kiến trúc, kết cấu do tình trạng tự ý cải tạo, xây dựng. Trong khi đó, chính quyền cấp quận, phường ở một nơi chưa kịp thời xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Hơn nữa, một số quy định của thành phố đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc qua quá trình triển khai, bộc lộ hạn chế, bất cập, nhưng chưa có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngoài ra, thực tế quản lý, sử dụng các biệt thự cổ thời gian qua cho thấy, trong quá trình sử dụng, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép, gây ra tình trạng xuống cấp hoặc biến dạng công trình. Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nên không ít trường hợp không có hồ sơ quản lý.

Cũng do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo trì, cải tạo, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi nguồn tài chính phục vụ cho việc cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn các công trình biệt thự cổ không nằm trong quy định về đầu tư công hay đấu giá, đấu thầu mà chỉ là cơ chế chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị công trình.

Trước thực trạng trên, TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội “về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, ngày 23-7-2013 về một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954, trên địa bàn Hà Nội”.

Theo dự thảo nghị quyết sẽ sửa đổi Khoản 2, Điều 10 của Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, cụ thể: “Trên cơ sở phân nhóm tại Khoản 1 Điều 10, UBND TP Hà Nội quyết định các trường hợp là nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại, sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND TP Hà Nội”.

Công trình biệt thự cổ có giá trị trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội được cải tạo bảo tồn

Công trình biệt thự cổ có giá trị trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội được cải tạo bảo tồn

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, đây là một trong những nội dung nếu sửa đổi được thì việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng có giá trị trước năm 1954 sẽ triển khai nhanh hơn và hiệu quả rõ hơn “Việc triển khai sửa chữa, cải tạo các công trình phải đảm bảo công khai, minh bạch và làm rõ vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận và giám sát của nhân dân”, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng để triển khai cải tạo, phục hồi thành công thì phải tạo được sự đồng thuận của người dân và tháo gỡ các khó khăn có tính chất mấu chốt như: thiếu kinh phí, thời gian và nhân lực. Đặc biệt, về cơ chế nên có chính sách phân quyền cho các quận, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các quận, huyện để các quận, huyện có nguồn lực cải tạo, phục hồi các nhà cổ, biệt thự cũ trên địa bàn.

Đồng thời cần làm rõ tỷ lệ đóng góp kinh phí cải tạo, sửa chữa giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp và có phương án quản lý sử dụng chính thức và công khai, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục