
Tại hội thảo bàn về giải pháp tổng hợp quản lý môi trường, một bức tranh toàn cảnh khá ảm đạm về hiện trạng ô nhiễm môi trường TPHCM đã được phơi bày. Điều đáng nói là những nỗ lực nhằm góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường thành phố trong thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Vậy đâu là nguyên nhân?
Môi trường được cải thiện nếu nhìn nhận đúng hơn vai trò quản lý

Kết quả quan trắc cho thấy tính chất ô nhiễm không chỉ tồn tại trong kênh rạch, nước sông Sài Gòn, trong khu dân cư, trong không khí, mà thậm chí ngay cả tầng nông nước ngầm đã xuất hiện tình trạng bị ô nhiễm. Với vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm về vấn đề này. Thế nhưng, phải nhìn nhận một thực tế là có những vấn đề ngoài tầm tay của Sở.
Cụ thể như việc cho nhập khẩu ồ ạt xe máy mà không quản lý được về chất lượng, làm gia tăng ô nhiễm không khí. Thành phố đã tiến hành phân cấp xử lý hành vi vi phạm môi trường xuống các quận-huyện và Ban quản lý Khu chế xuất-Khu công nghiệp.
Nếu những đơn vị này không làm tốt chức năng và vai trò của mình, Sở cũng đành chịu vì không có đủ người để thực hiện thay vai trò của tất cả các đơn vị liên quan… Mặt khác, vì để khuyến khích phát triển kinh tế, chúng ta đã “hy sinh môi trường” thông qua chính sách kêu gọi đầu tư và cho phép các khu chế xuất – khu công nghiệp lấp đầy 50% diện tích mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Cách làm này đã phần nào phát huy hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng ngược lại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên - môi trường đã kiên quyết buộc các đơn vị sản xuất phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và cho đến nay chỉ còn 1/15 khu chế xuất – khu công nghiệp là Tân Phú Trung chưa khởi công đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Và nếu đến hết năm 2008 này mà đơn vị trên vẫn chưa thực hiện thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất UBND TPHCM xử lý nghiêm...
Bắt đầu với những việc trong tầm tay
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Mai, chuyên viên ngành y tế của Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật. Ông Mai nhấn mạnh kinh nghiệm học tập từ nước ngoài cho thấy, không có nước nào lại để công nhân vệ sinh quét rác lúc 16 giờ và xe thu gom rác vẫn chạy ngoài đường vào lúc 6-8 giờ, gây bụi và hôi thối khủng khiếp. Vậy nên chăng, cơ quan chức năng chỉ cần điều chỉnh, đồng thời quản lý chặt chẽ thời gian hoạt động của lực lượng vệ sinh để góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm hiện nay tại thành phố.
Bà Nguyễn Hồng Lam, đại diện quận 6 cho biết thật đau xót khi chúng ta bỏ tiền tỷ để thực hiện dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn nhưng hiệu quả đạt được chỉ khoảng 20%. nguyên nhân là do người dân tiến hành phân loại rác xong, thì lực lượng thu gom lại trộn chung rác đã phân loại với nhau. Điều này không chỉ gây lãng phí công sức của người dân, mà còn gây khó khăn cho hoạt động tuyên truyền chấp hành ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, kể cả sau này. Do đó, để có thể huy động được cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, trước hết cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ vấn đề bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, cơ sở pháp lý trong vấn đề xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải rõ ràng, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trường hợp Phòng Tài nguyên-Môi trường quận-huyện đề xuất Phòng Kinh tế đóng cửa cơ sở gây ô nhiễm, nhưng Phòng Kinh tế cho rằng Luật Doanh nghiệp không có quy định nào về việc thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường…
Bà Diệp Ngọc Sương, Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật TPHCM đề nghị để quản lý vấn đề bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, ngay từ khâu cấp phép đầu tư phải xét đến yếu tố bảo vệ môi trường. Cụ thể là ngay khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đính kèm phương án bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực mình hoạt động sản xuất. Và phương án này phải được Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá và chứng nhận.
Ngoài ra, để công tác “hậu kiểm” có hiệu quả, cần có lực lượng giám sát trung lập. Lực lượng này có chức năng giám sát và đánh giá khách quan hiệu quả bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, vai trò cũng như hoạt động giám sát của lực lượng này rất quan trọng, tạo hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường.
Đồng tình với bà Sương, ông Lương Viên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM cũng cho rằng, nếu không tính đến giải pháp buộc doanh nghiệp phải thực hiện bảo vệ môi trường ngay từ đầu, thì công tác bảo vệ môi trường của Nhà nước vẫn mãi chạy theo xử lý phần đuôi vấn đề. Ngoài ra, đã đến lúc phải tính đến việc phát triển kiến trúc xanh. Vì đây là đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp gây phát thải một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng chưa được liệt vào đối tượng cần phải giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
ÁI VÂN