Chất lượng nước sông Sài Gòn – Đồng Nai đang bị suy giảm nghiêm trọng là một thực tế không thể phủ nhận. Thế nhưng, làm thế nào để ngăn chặn, từng bước giảm thiểu, cải thiện chất lượng nguồn nước sông này? PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về vấn đề này.
- PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai hiện nay?
- Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Hiện có nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia vào việc khai thác, sử dụng nguồn nước này. Nhiều kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước cũng được công bố, tuy giữa các kết quả có sự chênh lệch thông tin nhất định. Tuy nhiên, càng có nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia bảo vệ chất lượng nguồn nước sông là điều đáng khích lệ. Chỉ có điều, giữa các cơ quan chức năng cần có sự chia sẽ, thống nhất về mặt thông tin. Từ đó, tạo điều kiện cho thành phố đưa ra những giải pháp chính xác, phù hợp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước sông.
Về việc đánh giá chất lượng nguồn nước sông thì không thể phủ nhận chất lượng nguồn nước sông đang bị suy giảm nghiêm trọng. Tình trạng này, ít nhiều đã và đang ảnh hưởng đến nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt của thành phố.
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai gia tăng?
- Sự phát triển công nghiệp, tốc độ đô thị hóa và nhất là dân số cơ học đang tăng nhanh đã khiến cho đô thị lớn phải đối mặt với vấn đề gia tăng chất thải ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, sinh hoạt. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm đầu tư hạ tầng giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian qua chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Cụ thể, thành phố đã đầu tư được một số nhà máy xử lý nước thải kênh rạch như xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nước thải suối Nhum, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương, kênh Nước Đen, buộc khu dân cư xây mới phải có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung… Thế nhưng so với nhu cầu thực tế thì chưa đủ. Hơn nữa, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với vấn đề bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Điển hình nhất là tình trạng xả rác bừa bãi vào kênh rạch vẫn diễn ra rất phổ biến. Doanh nghiệp trốn tránh xử lý chất thải còn nhiều… Ngoài ra, một lý do không kém phần quan trọng là sự quyết liệt của các địa phương liên quan đến sông Sài Gòn đối với những trường hợp vi phạm môi trường chưa đồng bộ, thường bỏ qua cho doanh nghiệp gây ô nhiễm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn gặp nhiều khó khăn.
- Theo ông, để cải thiện chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, trong thời gian tới sở sẽ làm gì?
- Nhiệm vụ bảo vệ sông Sài Gòn không phải bây giờ mới đề cập đến. Nhiều năm qua, với tư cách là cơ quan chuyên môn của thành phố về bảo vệ môi trường, sở đã có nhiều giải pháp cụ thể giảm thiểu, từng nước ngăn ngừa, cải thiện nước sông. Chính phủ cũng thành lập Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Sông Sài Gòn nằm trong lưu vực sông này nên ngoài việc là đối tượng bảo vệ riêng của thành phố thì con sông này cũng là đối tượng cần được bảo vệ chung trong toàn lưu vực sông Đồng Nai.
Về phía thành phố, Thành ủy đã có nghị quyết về giảm thiểu ô nhiễm. Điều này cho thấy thành phố rất quyết tâm và coi trọng việc ngăn chặn, cải thiện thực trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, 3 vấn đề trọng tâm trong công tác bảo vệ thời gian tới là bảo vệ chất lượng nước sông Sài Gòn, thu gom và xử lý triệt để chất thải nguy hại và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải y tế. Riêng với sông Sài Gòn, hiện sở đang phối hợp với quận huyện tập trung thống kê, điều tra cho bằng được nguồn thải lớn khoảng từ 50m3/ngày đêm. Đây là cơ sở khả dĩ nhất để đề ra được những biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm cho sông Sài Gòn. Kết hợp với biện pháp này, sở tiến hành tăng cường kiểm soát ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc có công nghệ sản xuất lạc hậu. Tuy nhiên, phải nói rằng ngoài việc thành phố tự nỗ lực bảo vệ sông Sài Gòn thì cũng rất cần có sự chung tay bảo vệ của các tỉnh thành khác. Có như vậy thì chất lượng nước cuối nguồn về thành phố mới được cải thiện.
- Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nghiêm trọng vẫn diễn ra khá phổ biến mà nguyên nhân là do biện pháp xử lý chưa triệt để?
- Sở dĩ việc xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa triệt để bởi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do còn vướng luật. Nguyên nhân này sẽ sớm khắc phục trong thời gian tới. Sở đang phối hợp với các quận huyện soạn thảo quy chế cho phép thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nghiêm trọng trình UBND TP phê duyệt. Khi quy chế này được ban hành thì chắc chắn doanh nghiệp vi phạm môi trường không còn lý do gì để tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm cho môi trường.
Không chỉ vậy, sở đang đề xuất thành phố thực hiện một số giải pháp đồng bộ khác như không cấp phép đầu tư mới cho những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện đề án phân vùng tiếp nhận xả thải trên địa bàn thành phố; tiếp tục duy trì chương trình hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất khu vực dân cư vào khu sản xuất tập trung. Mặc dù đã có 1.260 cơ sở ô nhiễm đã bị di dời nhưng hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất ngành nghề ô nhiễm như dệt nhuộm, xi mạ… nằm xen lẫn trong khu dân cư. Tập trung chủ yếu ở các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 6, 11… Vì thế, cần tăng cường tuyên truyền, kiên trì với giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là vận động cộng đồng không thực hiện xả rác ra kênh rạch; đề xuất thành phố tổ chức lại việc thu gom rác trên hệ thống kênh rạch; hoàn chỉnh, cải tiến và hiện đại hóa hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt…
ÁI VÂN – THU HƯƠNG