Đến năm 2015, TPHCM phải đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi hiện trạng ô nhiễm hiện tại, cơ bản xây dựng thành phố xanh, sạch và phục hồi hệ sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng. Tuy nhiên, với tiến độ hoàn thành các dự án cải thiện chất lượng môi trường còn khá chậm chạp như hiện nay, xem ra mục tiêu trên rất khó đạt được.
Kỳ vọng với 6 mục tiêu
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết, hơn 30 năm thành phố ưu tiên cho phát triển kinh tế, môi trường thành phố đã và đang bị ô nhiễm về mọi mặt như nước thải, khí thải, tiếng ồn, chất thải… Cải tạo hiện trạng trên là cần thiết và 6 mục tiêu đã được đề ra. Cụ thể, 80%-90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại có hệ thống xử lý môi trường và lưu chứa, chuyển giao chất thải đúng quy định; 100% khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị cũ được thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do hoạt động sản xuất và 50% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do hoạt động giao thông; 100% người dân thành phố được phổ biến tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường. Và mục tiêu cuối cùng là giảm lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống còn 40%, nâng công suất tái chế rác thải thành phân compost 40%, đốt phát điện 10%, tái chế 10%. Chỉ có điều, trong quá trình thực hiện tính cho đến thời điểm hiện nay vẫn có nhiều bất cập. Nhiều mục tiêu có nguy cơ không đạt yêu cầu đặt ra.
Khó nhất là việc làm thế nào để các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện thành phố đang có 16 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 2/16 cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc vận động, thu hút chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp rất khó do thiếu chính sách ưu đãi. Mặt khác, các cụm công nghiệp hiện đang có nhiều nhà máy hoạt động nên rất khó để chủ đầu tư cải tạo hạ tầng. Mục tiêu khác là việc nâng công suất tái chế rác thải nói chung lên 60%, giảm lượng rác thải chôn lấp xuống còn 40% có nguy cơ chưa thực hiện được. Hiện một số nhà máy tái chế rác thải thành phân compost đang vận hành nhưng sản lượng rất thấp, chỉ đạt khoảng 10% - 12%. Còn xử lý nước thải của khu đô thị hiện hữu thì phụ thuộc vào tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hiện chỉ mới có Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang đi vào hoạt động nhưng công suất còn rất hạn chế. Muốn đạt được mục tiêu thu gom, xử lý 50% lượng nước thải sinh hoạt, các đô thị cũ phải có ít nhất là 1 triệu m³ nước thải được xử lý. Và để làm được điều này, ít nhất 3 nhà máy Bình Hưng, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm phải đi vào hoạt động và vận hành hết công suất thiết kế mới đảm bảo được yêu cầu…
Khắc phục khó khăn
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Trong đó, tập trung vào 3 yếu tố mấu chốt giai đoạn từ nay đến 2015 là tập trung xử lý nước thải, chất thải rắn và đánh giá hiệu quả nhận thức cộng đồng. Trước hết, thành phố sẽ xem xét, yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Phấn đấu đến năm 2015, nâng công suất xử lý nước thải của các nhà máy như Nhà máy Bình Hưng lên hơn 500.000m³/ngày đêm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè lên 418.000m3/ngày đêm và Tân Hóa - Lò Gốm 300.000m³/ngày đêm. Đảm bảo thực hiện đúng tiến độ mục tiêu đặt ra là xử lý 50% khối lượng nước thải khu đô thị hiện hữu. Riêng với doanh nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải thì bắt buộc phải xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường. Trường hợp các đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì kiên quyết xử lý. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với hành vi vi phạm của các đơn vị trên, tránh tình trạng đổ thừa qua lại, hậu quả là người dân phải chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm”.
Về xử lý chất thải rắn đô thị, mục tiêu giảm còn 40% khối lượng chất thải rắn xử lý bằng biện pháp chôn lấp chắc chắn không đạt vì hiện vẫn còn 90% khối lượng chất thải rắn phải xử lý bằng biện pháp này. Do vậy, cần phải xem lại giải pháp thực hiện. Còn với giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, cần đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền. Trên thực tế, tình trạng người dân có hành vi vi phạm môi trường còn diễn ra khá phổ biến. Điển hình nhất là tại các hệ thống kênh rạch đã được cải tạo, tình trạng tái ô nhiễm vẫn đang tiếp tục diễn ra. Điều này chứng tỏ việc tuyên truyền thì có nhưng hiệu quả theo hướng thay đổi thói quen sống có hại môi trường của một số người vẫn chưa đạt.
MINH XUÂN