Cải thiện và bảo vệ môi trường: Nhà nước đầu tư, nhân dân góp sức

HĐND TPHCM vừa phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức chương trình đối thoại với chính quyền với chủ đề “Ô nhiễm môi trường: giải pháp và thực trạng”. Một lần nữa vấn đề ô nhiễm môi trường đã được người dân bức xúc nêu lên. Vậy các cơ quan chức năng đã làm những gì nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay cũng như xoa dịu sự bức xúc hết sức chính đáng của người dân?
Cải thiện và bảo vệ môi trường: Nhà nước đầu tư, nhân dân góp sức

HĐND TPHCM vừa phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức chương trình đối thoại với chính quyền với chủ đề “Ô nhiễm môi trường: giải pháp và thực trạng”. Một lần nữa vấn đề ô nhiễm môi trường đã được người dân bức xúc nêu lên. Vậy các cơ quan chức năng đã làm những gì nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay cũng như xoa dịu sự bức xúc hết sức chính đáng của người dân?

Cải thiện và bảo vệ môi trường: Nhà nước đầu tư, nhân dân góp sức ảnh 1

Rác ngập trên kênh tại phường 1, quận Bình Thạnh (một nhánh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Ảnh: THANH TÂM

Ô nhiễm ở mức cao

Mở đầu chương trình, ông Ngô Tấn Hải, ngụ đường Mã Lò, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho biết, tại khu vực dân cư nơi ông sinh sống có một số công ty chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Để “né” các cơ quan chức năng phát hiện, các cơ sở này thường hoạt động khoảng từ 3 - 4 giờ sáng. Nhiều năm như thế, mức độ ô nhiễm tiếng ồn và bụi khu vực này không ngừng gia tăng, khiến cuộc sống người dân tại đây hết sức khổ sở.

Sự bức xúc được đẩy lên cao khi nhiều người dân ở quận Thủ Đức phản ánh thực tế ô nhiễm kênh Ba Bò, trên địa bàn quận hình thành những tuyến đường đầy rác, tình trạng ô nhiễm ở làng đại học tiếp tục gia tăng, nhất là những khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và TPHCM… Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, phản ánh của người dân về những vấn đề này là chính xác. Tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò vẫn còn phức tạp. UBND quận Thủ Đức đã kiến nghị với UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương tìm hướng xử lý, nhưng cho đến nay chưa thực hiện được.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, thời gian qua các cơ quan chức năng không ngừng nỗ lực để cải thiện chất lượng môi trường, nhưng hiệu quả thực hiện còn khá hạn chế. Nguyên nhân từ phía cơ quan chức năng như tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho môi trường chưa đồng bộ; pháp luật xử phạt chưa nghiêm, lực lượng thanh kiểm tra còn mỏng chưa đáp ứng nhu cầu; vấn đề quy hoạch cũng chưa hợp lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường còn phổ biến. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là do ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường còn kém. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một trường hợp cụ thể.

Ý thức người dân

Theo ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP đã đầu tư rất lớn cho việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ thường xả rác vào ban đêm nên việc phát hiện rất khó. Ông Segimon Serrat Serra, Chủ nhiệm dự án kiểm soát nguồn thải ô nhiễm sông Sài Gòn (do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ), nhấn mạnh, nước sông Sài Gòn gia tăng ô nhiễm nguyên nhân chính do nước thải sinh hoạt của người dân gây nên.

Do vậy, để cải thiện chất lượng môi trường nói chung, nhất thiết phải có sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng. Trong đó, chính quyền đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng. Còn cộng đồng phải là nhân tố phát huy, gìn giữ giá trị đầu tư. Có như vậy chất lượng môi trường mới được cải thiện một cách bền vững và lâu dài.

 

Thống kê của Trung tâm Chất lượng nước và môi trường, Phân viện Quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam bộ chỉ rõ, chất lượng nước tại hệ thống kênh rạch thành phố đều ô nhiễm nặng. Các thành phần như BOD, COD, vi sinh, hàm lượng chất thải rắn lơ lửng, kim loại nặng đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Cụ thể như kênh Thầy Cai - An Hạ (huyện Củ Chi), kênh B và C huyện Bình Chánh, kênh Búp và Trần Quang Cơ huyện Hóc Môn, kênh Tân Trụ và Hy Vọng quận Bình Tân… có màu nâu đen, mùi hôi rất nặng, nhiều chỉ tiêu đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Còn các kênh khác như rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, kênh Liên Xã, rạch Bình Thái, Cầu Miếu… đặc nghẽn rác và nước thải từ hoạt động sản xuất chăn nuôi… Trong một dự án nghiên cứu mới nhất về chất lượng nước sông Sài Gòn do Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ TPHCM, ông Segimon Serrat Serra khẳng định, nguồn nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm khá nặng. Nồng độ vi sinh luôn luôn ở mức cao vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài chục đến vài trăm lần.

Ái Vân - Minh Hải

Tin cùng chuyên mục