Cải tiến tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011: Liên thông trong xét tuyển

Trải thảm đỏ vào ngành khoa học cơ bản
Cải tiến tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011: Liên thông trong xét tuyển

Từ mùa tuyển sinh 2011, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến thực hiện cải tiến mang tính đột phá nhằm kéo người học vào những ngành khoa học cơ bản. Trong đó, phương án đầu tiên là xét tuyển thẳng học sinh phổ thông năng khiếu và đề xuất thực hiện nhiều ưu đãi cho thí sinh vào học những ngành này.

Những cải tiến tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM giúp các trường chủ động trong xét tuyển. Ảnh: T.HÙNG

Những cải tiến tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM giúp các trường chủ động trong xét tuyển. Ảnh: T.HÙNG

Trải thảm đỏ vào ngành khoa học cơ bản

Nhìn lại kết quả tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM từ năm 2006 đến 2010, có thể chia thành 3 nhóm ngành: nhóm ngành có điểm chuẩn cao, không xét tuyển NV2; nhóm ngành có điểm chuẩn vừa phải có xét NV2 và nhóm ngành có điểm chuẩn thấp và thường không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó, đáng lưu ý nhất là những ngành khoa học cơ bản rất khó thu hút người học.

Để thu hút thí sinh giỏi vào những ngành khoa học cơ bản, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia đã đưa ra nhiều phương án đột phá kể từ mùa tuyển sinh năm 2011. Đầu tiên là dự kiến thí điểm xét tuyển thẳng học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia) vào học một số ngành khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin quản lý…

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, phương án xét tuyển thẳng học sinh phổ thông năng khiếu mang đến nhiều thuận lợi cho học sinh. Các trường ĐH sẽ giải quyết được một phần chỉ tiêu trong việc lựa chọn thí sinh giỏi vào học những ngành mà thí sinh đã lựa chọn, nhất là những ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này phải tính toán đến quyền lợi của những thí sinh đang theo học tại hệ thống các trường chuyên khác trên cả nước chứ không thể lấy hết học sinh phổ thông năng khiếu của ĐH Quốc gia.

Ngoài phương án trên, trong đề án thực hiện cải tiến tuyển sinh sắp tới, ĐH Quốc gia còn đề xuất nhiều giải pháp, trong đó mạnh dạn đề xuất nhiều chế độ ưu tiên, học bổng cho sinh viên theo học những ngành khoa học cơ bản.

Bàn về phương án này, TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng: Nhà trường hoàn toàn ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, không hiểu sao phương án này đã được bàn thảo nhiều lần nhưng vẫn chưa được thực hiện. Nếu có quyết tâm và sự thống nhất giữa Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia, cơ sở tuyển sinh và Trường Phổ thông Năng khiếu, việc thực hiện xét tuyển sẽ làm được và mang đến nhiều quyền lợi cho thí sinh.

Thực tế những kỳ tuyển sinh qua, tỷ lệ học sinh các trường chuyên, phổ thông năng khiếu đậu vào ĐH Quốc gia là rất cao. Do đó, việc tính toán dành một phần chỉ tiêu để tuyển thẳng đối với học sinh giỏi tại trường chuyên là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề ở chỗ các trường phải ngồi lại xây dựng và đưa ra phương án thật cụ thể, chắc chắn sẽ có không ít sinh viên giỏi theo học các ngành khoa học cơ bản.

Phương án mới

Liên thông trong xét tuyển, liên thông giữa những ngành trùng nhau ở các trường thành viên là vấn đề được Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia muốn thực hiện trong kỳ tuyển sinh 2011. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: Các trường thành viên ĐH Quốc gia dự kiến sẽ thực hiện xét tuyển nguyện vọng (NV) 1B trong năm 2011. Nếu thí sinh dự thi ngành A nhưng không trúng tuyển sẽ được quyền chuyển kết quả này sang một ngành B (với điều kiện ngành B chưa đủ chỉ tiêu cho NV1) nếu cùng khối thi và phải đạt từ mức điểm sàn của ngành B.

Tuy nhiên, khi thực hiện NV1B, các trường cũng sẽ thực việc cấp giấy chứng nhận kết quả để thí sinh tham gia xét tuyển NV2 (nếu thí sinh có nhu cầu). Trong quy chế tuyển sinh không có quy định về xét tuyển NV1B nhưng tôi nghĩ trong kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều khả năng Bộ GD-ĐT sẽ cho phép thực hiện rộng rãi cách làm này.

Thực tế cho thấy, trong kỳ tuyển sinh năm 2010, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tiên phong thực hiện phương án này và kết quả đã tuyển được 526 thí sinh trúng tuyển NV1B. Cách làm này không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của thí sinh mà giúp trường linh động hơn trong xét tuyển. Như vậy, liên thông trong hệ thống đã giúp gia tăng tỷ lệ thực tuyển đối với những ngành khó tuyển và đảm bảo chỉ tiêu đào tạo cho các trường.

Một điểm mới mà Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia sẽ cải tiến là thực hiện liên thông lấy mức điểm sàn chung cho những ngành trùng nhau. Ví dụ như nhóm ngành công nghệ thông tin, công nghệ môi trường, kinh tế… dự kiến lấy chung một mức điểm chuẩn. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, chủ trương này sẽ được thực hiện nếu các trường thống nhất về quan điểm còn cách thực hiện chỉ là điều chỉnh về mặt kỹ thuật mà thôi.

Như vậy, cách làm trên của ĐH Quốc gia là hướng mở để thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH nhằm tìm giải pháp đổi mới tuyển sinh theo hướng thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển, thí sinh giỏi vẫn được xét tuyển trước và các trường được chủ động trong xét tuyển.

Giữ ổn định các hệ đào tạo khác

Năm 2011, ĐH Quốc gia TPHCM không tăng chỉ tiêu tuyển mới của chương trình kỹ sư tài năng ở các trường do kinh phí được cấp giảm so với năm 2010 (414 chỉ tiêu). Từ năm 2011, chương trình kỹ sư chất lượng cao, chương trình tiên tiến có đối tượng xét tuyển là sinh viên đã trúng tuyển và có điểm thi bằng với điểm chuẩn của từng ngành tương ứng và đạt trình độ tiếng Anh theo quy định. Tổng chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học, văn bằng 2, hoàn chỉnh đại học không tăng và tính theo thực tuyển. Trong đó, đào tạo văn bằng 2 và hoàn chỉnh đại học sẽ phân định rõ loại hình chính quy và vừa học vừa làm. Đối với hệ đào tạo từ xa qua mạng (đào tạo trực tuyến), chỉ tiêu sẽ được xác định trên khả năng thực tuyển và khả năng của từng đơn vị.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục