
LTS: Từ Mỹ, tác giả gửi về cho Tuần san SGGP Thứ Bảy lá thư nói về việc mưu sinh ở xứ người. Bạn đọc có thể thấy, ẩn sau vẻ hài hước là nỗi hoài nhớ của tác giả và có lẽ không chỉ riêng của tác giả mà còn của nhiều người Việt xa xứ...

Cổng vào một khu chợ người Việt tại San Jose (California).
Cách đây ba thập niên, công viên Monterey và khu thị tứ lân cận vẫn còn ngủ yên với đa số dân da trắng. Thế rồi, một ngày, khu vực phía Nam California này xuất hiện đầy chữ Tàu (trong đó có chữ Hàn và cả “chữ Việt cách điệu” mà bọn nhóc Mỹ cứ gọi chung là “chữ Tàu”), đầy các cửa hàng cho thuê băng dạy kungfu và đầy các biển quảng cáo thuốc thập toàn đại bổ… Đến nay, thung lũng mù sương San Grabiel đã trở thành nơi quần tụ dân châu Á đông nhất Mỹ. Không có gì đáng nói nếu không có vô thiên lủng chuyện dở khóc dở cười xảy ra…
Theo các bác ở Cục điều tra dân số Huê Kỳ, ít nhất 7 thị trấn quanh vùng Monterey đều là dân “mũi tẹt da vàng”. Với tôi, “dân mình” có lẽ còn đông hơn thế. Đi đâu cũng đụng côm cốp người châu Á. Từ khi gia đình tôi dọn đến đây vào năm 1995, tôi đã thấy nhan nhản dân gốc gác từ bên kia bờ Thái Bình Dương.
Và như người ta thường nói, va chạm trong cộng đồng đa văn hóa này đã xảy ra. Người Tàu nói người Tàu hiểu nhưng người Tàu nói người Hàn cóc hiểu. Thế là “xung đột văn hóa” bùng nổ. Hồi lễ Halloween (một lễ hội Mỹ mà người ta hóa trang thành ma quỷ đi từng nhà trêu chọc – chú thích của tòa soạn) năm ngoái (tháng 10), hai gia đình trong xóm tôi đã có một trận cãi nhau kịch liệt. Tất cả chỉ bởi nhà kia là dân Ấn Độ mà không hiểu vì cớ gì lại hóa trang làm con ma (Halloween mà!) mặc quần áo “ba tàu”… Trở lại với chuyện dân châu Á tại California.
Theo các cụ điều tra dân số (làm việc rất nhiệt tình, cứ “meo” hỏi một cái là lập tức có “meo” trả lời lại), người châu Á tại Mỹ đã tăng 48% trong thập niên 1990. Theo đà này, đến năm 2020, dân Mỹ gốc Á sẽ tăng gấp đôi, từ 10 triệu như hiện nay lên 20 triệu chứ chẳng đùa. Nội trong California, tại New Jersey chẳng hạn, mấy năm trước đâu thấy người Việt hay Ma Ní (tiếng lóng chỉ người Philippines). Bây giờ thì đầy nhóc.
Không như người ta tưởng, dân châu Á thích nghi cực nhanh với môi trường mới. Họ học tiếng Anh cực lẹ và tìm việc làm cực nhanh. Tất nhiên không kể thành phần lười (như thằng bạn tôi, qua Mỹ từ năm 25 tuổi mà bây giờ gần 50, đầu hai ba thứ tóc cũng chỉ biết “hello” và “thank you”).
Chỉ riêng tại Monterey, bây giờ có chừng 300 nhà hàng Tàu. Dây chuyền siêu thị tại Ranch 99 Markets ngập hàng Tàu, từ mì miến đến “tofu” (đậu hũ). Dân Hoa còn củng cố vị trí dài lâu bằng việc thành lập cơ man tiệm thuốc Bắc và “ngân hàng”. Như quý vị hẳn biết, “ngân hàng” ở đây chỉ là các cơ sở tài chính cho vay theo tính chất gia đình. Chó bị xe cán ngủm chưa có tiền chôn: “ra ngân hàng”; con trai đầu lòng lấy vợ: “ra ngân hàng”; con gái lớn bụng chửa vượt mặt: “ra ngân hàng”… Mọi giao dịch tiến hành nhanh gọn và không cần giấy tờ gì. Ai cũng biết ai. Muốn giựt thì cứ giựt nhưng lần sau đừng ghé đến “ngộ” nữa, xin “nị đi nơi khác giùm”. Cái hoạt động ngân hàng kiểu này, theo tôi, còn đã hơn việc mua cái dân Mỹ gọi là “thẻ niềm tin” (credit card) mà người ta đã chuyển ngữ khéo léo thành “thẻ tín dụng”.
Dân châu Á riêng ở khu vực tôi còn có một đặc điểm lạ. Đó là thành phần mà báo chí Mỹ gọi là “astronaut homeowners”. Họ là các doanh nhân đã “bốc” cả gia đình từ quê nhà sang đây, mang theo thê tử đùm đề, nhưng còn duy trì làm ăn ở cố hương. Do đó, các bác này thường xuyên phải chạy ngược chạy xuôi từ Mỹ về quê và từ quê sang Mỹ, bay vù vù như các phi hành gia tàu con thoi (astronaut) nên đã sinh ra cái tên gọi như vậy. Còn con cái họ thì dân Mỹ gọi là “bọn nhóc nhảy dù” (parachute kid). Tụi nhỏ này được bố mẹ “thả dù” xuống sâu trong địa phận Mỹ, ở gia đình “dì ba hay cậu tư” gì đó để ăn học thành tài.
Như đã kể, xung đột xảy ra hà rầm. Do đó, thật ngộ khi đi coi xinê mà trên màn hình người ta phụ đề đến ba bốn thứ tiếng – hàng tiếng Tàu, hàng tiếng Hàn, hàng tiếng Phi… Có khi phụ đề nhiều quá kín mít luôn cả nửa “mặt phim”. Do đó, nhà chức trách Mỹ đã thành lập nhiều tổ chức gọi chung là “ủy ban quan hệ con người”, nhằm thắt chặt tình anh em trong cộng đồng đa sắc dân tại đây. Các ủy ban này làm việc khá tốt. Cuối tuần, họ thường gõ cửa phát cho bạn giấy mời đi dự tiệc, đi picnic để mà “tăng cường hiểu biết văn hóa đan xen” (cross-cultural understanding).
Trong các buổi tiệc ngoài trời, bọn nhóc da trắng đùa nghịch với bọn nhóc da vàng. Một khung cảnh hòa hợp thanh bình thật thú vị. Mỗi năm, tháng 10, Hội quán Hoa kiều San Marino (San Marino Chinese Club) lại tổ chức lễ hội mùa thu. Bà con ai cũng có thể nhảy lên sân khấu hát rần rần. Đó là dịp văn hóa truyền thống xuất hiện. Dân Tàu vận đồ vua chúa trong khi bà con mình – ít hơn người Hoa nhiều – cũng nhảy lên ca quan họ Bắc Ninh liền anh liền chị (mà tôi từng ôm trống gõ thùng thùng). Dân Hoa hát nhạc Hoa, dân Việt hát nhạc Việt và dân Mỹ vỗ tay khoái trá. Thật là lạ.
Có một chuyện mà ông già bà cả gốc Á nào bên đây cũng lo âu: xu hướng quên cội nguồn của giới trẻ. Tôi không biết rồi đây hai thằng con trai và mụn con gái út của tôi có “trở mặt” hay không nhưng chính tôi từng chứng kiến cảnh cãi lộn giữa con gái nhà anh hàng xóm (người Hàn) quanh chuyện đám giỗ ông nội không thèm về thắp nhang và má nó dọa cấm nó “giao tiếp” với mấy thằng giang hồ cưỡi môtô Harley… Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở chỗ anh có dạy con anh đàng hoàng hay không.
Phần mình, tôi thường xuyên “tiêm nhiễm” vào đầu bọn nhỏ (thằng cả sang Tết con lợn này lên 25 còn con út mới 17) các giá trị đạo đức Đông phương. May cho tôi là có ông bạn tốt ở Sài Gòn thường xuyên gửi sách sang tặng nên tôi có thể duy trì nếp văn hóa đọc tiếng Việt ở tụi nhỏ. Bọn nhóc nhà tôi (luôn dùng tiếng Việt trong nhà) đến thời điểm này vẫn tỏ ra nhất mực là dân châu Á nòi. Tôi mừng vì điều đó.
Dự tính về quê ăn Tết năm nay của tôi có thể bất thành vì… “lủng túi”. Thằng lớn vừa học xong đại học lại nằng nặc đòi học nữa. Tuy nhiên, tình hình chung là kinh tế Mỹ đang khá khó khăn từ sau vụ 11-9. Giá dầu tăng chóng mặt và tâm lý dân chúng vẫn nơm nớp nguy cơ bị Bin Laden bất ngờ tặng một món quà nào đó “đầy ý nghĩa”. Dân điện tử như tôi dính dáng nhiều đến các con số chứng khoán nhảy nhót điên rồ nhích lên tụt xuống từng giờ.
Gia đình người bạn cách tôi không xa mấy (ở quận Cam) cũng hoãn kế hoạch về nước, dù nghe tin con gái lớn anh mình năm nay “chờ chú về mới chịu làm đám cưới”. Thật buồn cười, nhà hắn bây giờ mà vẫn còn lổn ngổn mặt nạ hơi độc nhét trong xó bếp mà vợ hắn gom về cho mỗi người một cái từ sau vụ các ông nghị Mỹ dính chấu chất độc anthrax. Xứ Mỹ đang trong thời tuột dốc mà, hắn điện than thở với tôi. “Hổng chừng gom ít vốn bay về Việt Nam lập nghiệp” – hắn rủ tôi. Chưa dám nói ngay nhưng tôi cũng cảm thấy đó là hướng sắp tới của mình.
Trong buổi tối nhìn ra phố 12 giờ đêm còn nhộn nhịp hoạt động của dân châu Á khiến tôi bất giác muốn cầm bút (nghe cho có vẻ lãng mạn, thật ra tôi gõ lộp cộp trên chiếc máy điện toán) và tản mạn vài dòng. Nhắc đến quê hương, sao mà nhớ quá… Ở đây chẳng có gì giống Việt Nam. Ngay cả “mưa Mỹ” cũng chẳng giống những cơn mưa dầm dề vào mùa thu ở Sài Gòn tí ti nào.
Bất giác thật tình tôi thèm “tận hưởng” được cảnh chết máy xe và dắt bộ bì bõm trên con đường ngập đến mắt cá, thấy cảnh phố xá tất bật mưu sinh; và mong về nhà thiệt lẹ để được nhìn cảnh vợ lăng xăng lấy khăn lau mặt và bọn nhỏ nhốn nháo dọn cơm cho ba… Nghĩ đến đây, thú thật tôi phải nuốt nước mắt vào trong.
Về thôi, phải về, chắc chắn sẽ về…
TRẦN TIẾN HƯƠNG
(California, 15-8-2006).