Cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc

Sáng 6-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật tiếp cận thông tin; dự án Luật dược (sửa đổi).
Cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc

(SGGPO). – Sáng 6-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật tiếp cận thông tin; dự án Luật dược (sửa đổi).

Siêu thị được bán thuốc, khuyến khích các nhà thuốc bán đêm

Với 88,06% tổng số ĐBQH tán thành , sáng 6-4, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật dược (sửa đổi).
Giải trình về Luật này, UBTVQH cho biết, có ý kiến đề nghị Quốc hội xây dựng một luật riêng về y dược cổ truyền điều chỉnh toàn diện các nội dung về kế thừa, bảo tồn, phát triển dược liệu và thuốc cổ truyền và thể hiện tính đặc thù trong quản lý dược liệu, thuốc nam, thuốc dân tộc, bài thuốc dân gian, thuốc cổ truyền. Ủy ban tiếp thu và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm chuẩn bị dự án Luật y dược cổ truyền.

Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược, dự thảo Luật quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần trên cơ sở thống nhất của phần lớn ý kiến ĐBQH. Dự thảo Luật quy định khuyến khích các nhà thuốc bán ban đêm và do chỉ khuyến khích, nên đã không quy định phụ thu trong trường hợp này. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trở lên phải tổ chức bán thuốc ban đêm. Luật cũng cho phép bán thuốc tại siêu thị để phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dự thảo Luật đã quy định siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Luật cũng quy định quyền của nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phát thuốc BHYT, thuốc thuộc chương trình mục tiêu, dự án y tế nhằm tạo cơ hội tiếp cận thuốc của người dân, thuận lợi trong khám chữa bệnh BHYT. Tiêu chí nhà thuốc, quầy thuốc được tham gia do các chính sách về BHYT, chương trình mục tiêu và dự án y tế quy định cụ thể.

Người dân mua thuốc tại hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Đáng chú ý, Luật cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc, khi vi phạm quy định này, tùy theo mức độ vi phạm, cơ sở kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự. Luật cũng bổ sung quy định cấm kinh doanh thuốc không được bảo quản đúng quy định ghi trên nhãn thuốc. Đồng thời, quy định dược liệu đã bị cố ý chiết xuất hoạt chất được coi là dược liệu giả.

Về vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận là Luật có nên quy định về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm bằng một chương riêng hoặc quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thực phẩm chức năng, UBTVQH cho biết, để xử lý tình trạng tiếp thị, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức gây hiểu lầm cho người dùng, dự thảo Luật bổ sung quy định “cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Cấm cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước

với 88,5%,  tổng số ĐBQH tán thành, sáng 6-4, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật dược (sửa đổi). Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, Điều 6 của Luật này quy định về thông tin công dân không được tiếp cận. Đó là loại thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế… Loại thông tin này được quy định là thông tin mật và chỉ một số ít đối tượng được tiếp cận với tư cách là người thi hành công vụ chứ không phải là tư cách công dân. Việc tiếp cận, sử dụng và quản lý tin mật được quy định trong các văn bản pháp luật khác theo quy trình, thủ tục rất chặt chẽ.

Về phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin, dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm (bắt buộc) cung cấp thông tin do mình tạo ra. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, luật quy định khuyến khích cơ quan nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 11), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm cung cấp thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em gái, thông tin gây kỳ thị về giới. Theo UBTVQH,  thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em gái là nạn nhân của nạn buôn người, mại dâm… là các thông tin nếu cung cấp sẽ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Nội dung này đã được nghiêm cấm tại khoản 3 Điều 11 của dự thảo Luật. Ngoài ra, luật cũng cấm cung cấp và thể hiện đối với thông tin gây kỳ thị về giới. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm là: cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin, hủy hoại thông tin, làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Luật cũng quy định, công dân được cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí, trừ trường hợp luật khác có quy định. Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.

Luật quy định  công dân phải nêu lý do, mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin nhằm tăng cường trách nhiệm của công dân, hạn chế hành vi lạm dụng, lợi dụng việc tiếp cận thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan; đây cũng là cơ sở để UBND cấp xã cung cấp thông tin cho người có quyền lợi liên quan. Luật không cho phép cung cấp qua hình thức điện thoại vì rất dễ bị sai lệch thông tin và không bảo đảm tính pháp lý, có thể dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục