Cẩm nang ứng phó động đất

Cẩm nang ứng phó động đất

Nhìn-Chạy-Che-Bám

Hãy thuộc lòng 4 từ này. Nó là chìa khóa giúp bạn có thể thoát hiểm an toàn khi xảy ra động đất. Vừa cảm nhận mặt đất rung chuyển, dù đang ở bất cứ nơi nào, hãy quan sát quanh mình, nhìn lên phía trên để phát hiện ngay những vật gì có thể cản đường thoát hiểm hoặc rơi xuống gây hại đến mình.

Trong khi quan sát, tự động bạn sẽ thấy được nơi có thể là điểm trú ẩn an toàn và lao nhanh đến đó. Nó có thể là dưới bàn làm việc, bàn ăn. Hãy tránh xa các cửa kính, tủ sách, kệ đồ dùng, gương và những vật có thể rơi đổ gây thương tích cho bạn. Coi chừng quạt trần, vữa, gạch ở trần nhà tróc ra và rơi xuống đầu bạn.

Cẩm nang ứng phó động đất ảnh 1

Học sinh Nhật thực tập phản ứng động đất.

Hãy bám chắc mình vào chân bàn, nó rung chuyển, bạn thả mình cho rung theo, chỉ buông nó ra khi đất không còn rung động.

Nếu bạn đang ở trong toà nhà cao tầng

Dùng hai tay làm khiên che đầu trên đường tiến ra cửa thoát hiểm. Đừng đợi thang máy. Hãy lần xuống dưới đất bằng cầu thang bộ. Đừng chần chừ nhưng cũng đừng phát hoảng. Hãy làm quen trước với cửa và cầu thang thoát hiểm. Nên trữ sẵn khăn choàng vừa phải (thấm nước che đầu, bịt mũi trong trường hợp xảy ra hoả hoạn) và hãy sẵn sàng trong ngăn kéo bàn làm việc của mình một đôi giày thể thao đế dẹp (nếu bạn là nữ thường đi làm với giày cao gót).

Nếu bạn đang ở ngoài đường
Đi khom người nhanh ra khỏi khu vực có nhiều cây cao, bảng hiệu, biển chỉ dẫn, nhà cao tầng, trụ điện. Nếu bạn đang đi bộ trên lề đường trong khu phố có nhiều nhà cao tầng thì hãy ẩn mình vào góc cửa nào đó để tránh gạch ngói, vữa, bảng hiệu, ăngten truyền hình... rơi trúng.

Nếu bạn đang lái xe
Tấp ngay vào lề đường, tắt máy và ngồi chờ cho đến khi các rung động chấm dứt. Xe đậu càng xa các cột điện, cột đèn chừng nào càng tốt chừng nấy. Nếu bạn là người thường phải sử dụng thuốc thì nên phòng sẵn chúng trong xe. Kể cả nước uống.

Nếu bạn đang ở chợ, siêu thị, nơi công cộng…
Đừng hấp tấp lao ra cửa để tránh diễn ra cảnh xô lấn, dẫm đạp lẫn nhau. Hãy tránh xa nơi nào có treo nhiều biển chỉ dẫn, bảng giá. Khi các vật dụng bị hất tung ra khỏi sạp, kệ thì trốn dưới các kệ.

Nếu bạn đang ở trong rạp hát, sân vận động
Hãy ngồi yên tại chỗ, hai tay che lấy đầu. Chỉ ra khỏi nơi đó khi mặt đất đã hết rung.

Cẩm nang ứng phó động đất ảnh 2

Nếu bạn đang ở trong nhà bếp
Hãy tránh xa tủ lạnh, lò nướng điện/ga, tủ ly tách. Hãy rúc xuống dưới bàn ăn.

Sống sót với container khẩn cấp
Hãy chọn một container bằng nhôm hoặc bằng nhựa plastic nhẹ loại trung bình vàø chất vào đó những vật dụng tối cần thiết cho gia đình nhỏ 4 đến 5 thành viên để có thể cầm cự qua 72 tiếng.

Những thứ nên để sẵn trong container này là: 4 lít nước uống, đèn pin, pin, đèn cầy, diêm quẹt/quẹt gaz, hộp cứu thương, những loại thuốc thường dùng của từng thành viên, vài đôi găng tay loại dày, vài cái chăn mỏng, vài cái áo gió, radio, đồng hồ không thấm nước, viết lông chịu nước, vài tập giấy nhỏ dùng nhắn tin, vài cuộn giấy vệ sinh, các loại thực phẩm khô như mì ăn liền, trái cây sấy khô, vài lon thức ăn, đĩa và ly giấy, nĩa và muỗng nhựa, đũa gỗ, cây búa nhỏ, cây kìm nhỏ, cây tournevis nhỏ, băng keo. Và nếu gia đình bạn có nuôi chó, mèo thì đừng quên vài hộp thức ăn riêng cho chúng.

(Theo hướng dẫn của Seismo-Watch Earthquake Information, chuyên ban theo dõi và phản ứng với địa chấn thuộc FEMA, Cục quản trị tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ). 

DŨNG NGUYỄN (tổng hợp) 

Tập phản ứng với động đất

- TÌM CHỖ NÚP: Hãy cùng các thành viên trong gia đình xác định xem nơi nào trong nhà bạn có thể là “lô cốt” cứng cáp nhất để lao vào ẩn nấp khi xảy ra động đất. Hãy xác định chỗ như thế ở nơi bạn hàng ngày phải làm việc.
- TẬP THOÁT HIỂM: Hãy vạch ra những lối thoát hiểm khác nhau: từ nhà ra ngoài đường, từ đường đến điểm an toàn gần nhất. Hướng dẫn các con có thói quen đi lại theo các hành trình thoát hiểm ấy.
- TẬP TẮT DÒNG ĐIỆN, NGUỒN NƯỚC, NGUỒN KHÍ ĐỐT: thật nhanh ngay khi thấy động tĩnh bất thường. Nhớ chỉ dẫn các thành viên trong gia đình việc này.
- SOẠN RA KẾ HOẠCH PHẢN ỨNG VÀ SỐNG TRONG TÌNH HÌNH KHẨN CẤP: Phân chia nhiệm vụ cho từng người, ai lo cho bọn trẻ, ai phụ ông bà lớn tuổi khó đi đứng… Lập danh sách các địa chỉ của những nhân vật có thể giúp mình trong lúc hoạn nạn; bệnh viện, nơi trú ẩn… Thống nhất với nhau về một điểm hẹn nhất định nếu chẳng may xảy ra chuyện thất lạc trong lúc khủng hoảng.

5 điều cần biết về động đất
1. Động đất thường xảy ra vào buổi sáng sớm? (Đúng - Sai)
2. Động đất xảy ra theo mùa nên đã có thuyết Mùa động đất? (Đúng - Sai)
3. Động đất ngày càng xảy ra nhiều hơn? (Đúng - Sai)
4. Chúng ta có thể ngăn không cho xảy ra động đất? (Đúng - Sai)
Trả lời:
1. SAI. Động đất xảy ra bất cứ lúc nào, không theo một “khuôn mẫu” nào cả.
2. SAI. Nên nhớ địa chấn xuất phát từ sâu tít dưới lòng đất, không bị ảnh hưởng gì từ thời tiết.
3. SAI. Có cảm tưởng như thế là vì ngày nay các phương tiện truyền thông nhanh nhạy báo động về mọi địa chấn xảy ra ở mọi nơi trên thế giới.
4. SAI. Không có gì ngăn được. Nhưng chắc chắn một điều là nếu chúng ta đã diễn tập quen sẵn sàng ứng phó động đất thì có nhiều khả năng thoát hiểm an toàn hơn.

Trong thời gian tới
Phan Thiết, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh có thể chịu dư chấn động đất nhưng yếu hơn

Theo Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 0 giờ 15 ngày 8-11-2005, một trận động đất mạnh 5,1 độ Richte xảy ra ngoài khơi Vũng Tàu tại vị trí 100N, 108,10 ở độ sâu 30-33 km gây chấn động cấp 4-5 (theo thang địa chấn quốc tế MSK-64) tại thành phố Vũng Tàu, Phan Thiết và chấn động cấp 3-4 tại TP.Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, vào lúc 14 giờ 54, trận động đất thứ hai mạnh 5,5 độ Richte cũng xảy ra tại khu vực nói trên gây chấn động cấp 5 cho thành phố Phan Thiết, Vũng Tàu và cấp 4 cho TP.Hồ Chí Minh. Hai trận động đất nói trên xảy ra cùng ngày 8-1-2005 trên đới đứt gãy Côn Sơn, song song với đới động đất Thuận Hải- Minh Hải chạy dọc ven biển Nam Trung Bộ và cách đứt gãy này 30km về phía Đông Nam.

Tại các đới động đất trên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu công bố năm 1996 dự báo có thể xảy ra các trận động đất mạnh đến 5,5 độ Richte gây chấn động cấp 7 ở vùng chấn tâm và chấn động lan truyền yếu hơn ở các vùng lân cận.

Trận động đất thứ hai xảy ra lúc 14 giờ 54 ngày 8-1-2005 là một trong những trận động đất có thể mạnh nhất xảy ra trong đới động đất Côn Sơn. Động đất như thế cũng có thể xảy ra trong đới động đất Thuận Hải- Minh Hải và gây chấn động mạnh hơn trên đất liền nhưng không mạnh hơn cấp 6, tức không gây hư hại đáng kể.

Trong thời gian tới có thể xảy ra các dư chấn yếu hơn, vì thế, các thành phố Phan Thiết, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh có thể chịu chấn động nhưng yếu hơn các lần vừa qua, không gây nguy hiểm cho người dân.

Chỉ tính trong năm 2005, từ 5-8-2005 đến nay, nhiều lần động đất mạnh xảy ra tại khu vực ngoài khơi Vũng Tàu là hậu quả hoạt động kiến tạo tích cực của vỏ trái đất trong khu vực nói trên và đã được dự báo từ trước trong kết quả phân vùng dự báo động đất Việt Nam do Viện Vật lý Địa cầu thực hiện năm 1996 và năm 2004.

Tin cùng chuyên mục