Từ năm học mới 2016-2017, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm trong trường học ở TPHCM bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi giải thể các cơ sở văn hóa ngoài giờ tại trường học, tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn TPHCM liệu có giảm?
Nhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Hoa Lư quận 9 đến học thêm tại Trường THCS Đồng Khởi, quận 1
Trong im ắng, ngoài nhộn nhịp
Mùa hè năm 2016, thực hiện chủ trương cấm dạy thêm, học thêm (DTHT) trong trường học của Thành ủy, UBND TPHCM, hầu hết các trường đều tuân thủ và không tổ chức DTHT như những năm trước. Thậm chí, những trường lỡ thu tiền học hè đã phải trả lại cho phụ huynh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh, tạo thêm sân chơi bổ ích dịp hè, nhiều trường chuyển sang hình thức sinh hoạt hè, ôn tập, dạy ngoại khóa, kỹ năng, phát triển năng khiếu... Như thế, nhìn bề nổi DTHT trong trường học đã lắng xuống, nhưng ở bên ngoài trường học, nó vẫn bành trướng theo nhu cầu học để thi, để cạnh tranh vào trường tốp trên của học sinh, phụ huynh. Đúng như nhận định của nhiều hiệu trưởng, nếu cấm DTHT tại trường thì nhiều học sinh sẽ tìm đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ hoặc đến những điểm dạy thêm của giáo viên mở ở khắp mọi ngóc ngách, con hẻm lớn nhỏ của TP. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng này, từ học sinh cuối cấp của bậc tiểu học đến THCS và bậc THPT đều đi học thêm.
Có mặt tại Trường THCS Đồng Khởi tại đường Nguyễn Văn Trường (quận 1) vào trưa 26-7, chúng tôi chứng kiến hàng trăm học sinh ùa ra khỏi cổng sau buổi học thêm do Trung tâm văn hóa ngoài giờ Lý Tự Trọng thuê mặt bằng tổ chức dạy thêm. Nhìn những bộ đồng phục khác nhau, chúng tôi không chỉ thấy rất đông học sinh của các trường nội thành có tên tuổi như THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn, Lê Quý Đôn, chuyên Trần Đại Nghĩa…, mà còn có rất nhiều học sinh ở các quận ven như Thủ Đức, quận 7, 8, 9… Một nhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Hoa Lư (quận 9) cho biết: “Chúng em rủ nhau đi xe buýt đến đây học thêm để chuẩn bị vào học lớp 9 vì kỳ thi vào lớp 10 năm tới không dễ đạt điểm cao…”. Theo học sinh Lý Bằng và một số em khác, các em đăng ký học thêm hè từ đầu tháng 6 và học 5 môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Văn.
Tương tự, nhiều phụ huynh có con mới học lớp 6, 7, 8 cũng rục rịch cho con học thêm tại nhà thầy cô có “danh tiếng” ngay trong dịp hè và suốt cả năm học để chuẩn bị cho kỳ vượt vũ môn vào lớp 10 thuộc các trường tốp trên, tốp giữa sắp đến. Chị Diệu Yến, nhà ở quận Tân Bình, cho biết con chị vừa học xong lớp 8 và muốn được nhận vào lớp học thêm của thầy cô giỏi chuyên luyện thi vào lớp 10 thì phải đăng ký ngay từ khi kết thúc năm học cũ (cuối tháng 5). Qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mới đây, khảo sát nhanh cho thấy gần 100% học sinh lớp 9 đều đi học thêm tại trường hoặc bên ngoài trường học, thậm chí có nhiều học sinh học thêm hai ca tại trường lẫn nhà thầy cô. Đơn giản là không học thêm thì không thể làm bài đạt điểm cao vì đề thi có tính phân hóa cao và khó chạm vào ước mơ học ở những ngôi trường THPT công lập tốt. Tương tự, phần đông học sinh ở bậc THPT đều phải học thêm nhiều môn để chuẩn bị cho kỳ thi đại học hàng năm.
Cần có cuộc khảo sát, đánh giá về học thêm
Trong văn bản mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các trường học tiến hành thủ tục giải thể hoạt động DTHT tại trường từ năm học mới. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhấn mạnh yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, các trường học ở TPHCM đều chấp hành quy định mới này, nhưng cũng thấy rối vì nhiều vấn đề liên quan đến DTHT cần hướng dẫn cụ thể hơn. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết hầu hết trường THCS tại quận Tân Bình đều đã được cấp phép dạy thêm trong trường học. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường sẽ dừng ngay việc DTHT và tùy theo điều kiện, nhà trường sẽ duy trì học hai buổi/ngày để đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.
Điều băn khoăn chung của nhiều hiệu trưởng là sau khi giải thể hoạt động DTHT tại trường thì TP có cho phép các trung tâm văn hóa ngoài giờ thuê mặt bằng, tổ chức dạy thêm tại trường hay không? Giáo viên trường công lập có được phép dạy thêm ở bên ngoài hay mở trung tâm không và làm thế nào để quản lý họ?... Một vấn đề “vênh” khác là theo quy định về quản lý DTHT của Bộ GD-ĐT thì giáo viên dạy ở các trường công lập không được dạy thêm ở bên ngoài nhà trường mà chỉ được dạy thêm trong trường. Như thế, việc TPHCM cấm giáo viên dạy thêm trong trường sẽ làm mất quyền lợi, nguồn thu chính đáng của họ và việc này tháo gỡ như thế nào?
Điều khiến nhiều hiệu trưởng ở vùng ven, ngoại thành lo lắng là chất lượng đào tạo có thể bị ảnh hưởng nếu cấm dạy thêm trong trường. Thầy Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự quận 8, lo lắng: “Đầu vào lớp 10 của trường thường thấp, trong khi đó chương trình học ở bậc phổ thông nặng, kiến thức nhiều. Nếu nhà trường chỉ dạy chính khóa thì nhiều em sẽ không theo kịp chương trình, càng học càng đuối...”. Một hiệu trưởng trường THCS ở quận nội thành phân tích: Học sinh học thêm trong trường chỉ tốn chi phí bằng 1/3 so với học bên ngoài nhờ tận dụng cơ sở vật chất. Hơn nữa, nhà trường cũng dễ quản lý giáo viên của mình dạy cái gì, đảm bảo chất lượng hay không. Còn cấm dạy thêm trong trường thì thầy cô sẽ ra ngoài dạy hoặc dạy tại nhà, ban giám hiệu không thể chạy theo và quản lý nổi.
Tuy chủ trương cấm DTHT trong trường học là đúng và về lâu dài, nó sẽ triệt tiêu dần căn bệnh học vẹt, học tủ, học để ứng phó thi cử, nhưng trước mắt việc dừng DTHT đang khiến cán bộ quản lý rối, giáo viên lo lắng. Chia sẻ điều này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, ngành GD-ĐT cần có lộ trình giải quyết vấn đề DTHT và cần làm công tác tư tưởng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tránh gây bức xúc cho giáo viên, phụ huynh. Cũng theo Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thị Thu, các trường học phải nghiêm cấm giáo viên ép học sinh học môn mình dạy và ai học mình thì cho điểm cao và ai không học thì cho điểm thấp.
Theo các chuyên gia giáo dục, để đánh giá đúng nhu cầu, bản chất của DTHT trên địa bàn TPHCM, rất cần một cuộc khảo sát sâu rộng, đa chiều về ảnh hưởng, sự biến tướng của nó đối với nền giáo dục. Từ đó, TPHCM sẽ đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới mục tiêu dạy thật, học thật, nhất là cải thiện đời sống giáo viên để họ yên tâm đứng lớp, dành trọn tâm huyết với nghề trồng người.
Khánh Bình