Cấm xe tải vào quốc lộ 1, nhiều doanh nghiệp than khổ

Hôm nay 11-12, các loại xe tải trên 5 tấn bị cấm lưu thông qua quốc lộ 1 đoạn từ TPHCM đến tỉnh Tiền Giang, sáng từ 6 giờ đến 8 giờ 30 và chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30, nhằm giảm ùn tắc giao thông. Giới tài xế cho rằng, cấm như vậy không khác nào ép họ vào đường cao tốc để thu tiền.
Cấm xe tải vào quốc lộ 1, nhiều doanh nghiệp than khổ

Hôm nay 11-12, các loại xe tải trên 5 tấn bị cấm lưu thông qua quốc lộ 1 đoạn từ TPHCM đến tỉnh Tiền Giang, sáng từ 6 giờ đến 8 giờ 30 và chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30, nhằm giảm ùn tắc giao thông. Giới tài xế cho rằng, cấm như vậy không khác nào ép họ vào đường cao tốc để thu tiền.

Dồn vào cao tốc

Phương tiện giao thông di chuyển chậm trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh Ảnh: Cao Thăng

Theo Cục Quản lý đường bộ IV (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), xe tải trên 5 tấn bị cấm lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn từ nút giao Bình Thuận (giao lộ đường Nguyễn Văn Linh và đường dẫn vào đường cao tốc, thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM) đến giáp ranh đường ĐT835 (tỉnh Long An) và đoạn qua Khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang). Như vậy, các loại xe tải trên 5 tấn từ TPHCM muốn đi về miền Tây hoặc ngược lại, phải theo tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Còn không thì phải chờ hết thời gian cấm nói trên mới được tiếp tục hành trình. Cục Quản lý đường bộ IV và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu phương án cấm xe tải nặng ở các đoạn trên từ cách đây gần nửa năm. Theo Cục Quản lý đường bộ IV, đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn TPHCM, từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt (nút giao Tân Kiên) đến nút giao Bình Thuận dài khoảng 2,8km, giao thông thường xuyên ùn tắc. Cách đó chỉ một đoạn ngắn, lại có đến ba điểm ùn ứ khác, tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường Dương Đình Cúc, cầu Bình Điền và ngã tư đèn đỏ Nguyễn Hữu Trí. Vì vậy, việc cấm xe tải nặng từ nút giao Bình Thuận đến ranh tỉnh Long An là nhằm phân luồng để giảm lưu lượng xe dồn vào khu vực trên trong giờ cao điểm. Như vậy, đoạn bị cấm ở TPHCM dài 5,7km, Long An 2,8km và Tiền Giang 2,4km.

Theo Sở GTVT TPHCM, các đơn vị đã cơ bản ủng hộ việc cấm các loại xe tải trên 5 tấn qua đoạn quốc lộ từ nút giao Bình Thuận đến ranh Long An vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM và số liệu tổng hợp từ Ban An toàn giao thông TP thì đoạn đường đề xuất trên lại không phải đoạn kẹt xe và có điểm đen về tai nạn giao thông từ năm 2014 đến nay.

Doanh nghiệp gặp khó

Với hàng loạt các doanh nghiệp (DN) có cơ sở, kho bãi nằm dọc tuyến quốc lộ 1 thì việc cấm này gần như “trói chân” xe tải nặng trên tuyến này qua ba địa phương trên. Ông Ngô Văn Hoàng, chủ bãi xe container, đầu kéo ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), cho biết khi các đơn vị chức năng lắp đặt bảng cấm, nhiều lái xe lúng túng. Bởi vì dọc đường Nguyễn Văn Linh và đường dẫn cao tốc cũng không có các bãi dừng, đậu xe tạm để các lái xe chờ hết giờ cấm, sau đó đi vào khu vực cấm để giao, nhận hàng. Anh Phan Trung Đình, tài xế Công ty Sắt thép Minh Quốc cho biết, một số tuyến đường thay thế khi cấm xe ở đoạn quốc lộ 1 đều có mặt đường quá hẹp nên các loại xe container, đầu kéo rất khó ra vào. Khi đó, khu vực sẽ thành “bãi đậu xe” trên quốc lộ với dày đặc các loại xe tải nặng đi về Long An, Tiền Giang, gây tình trạng kẹt xe kéo dài trên quốc lộ 1, đặc biệt là ở các điểm nóng về kẹt xe như vòng xoay An Lạc, ngã tư Gò Mây, ngã ba Tân Kỳ - Tân Quý, An Sương…

Giới tài xế cho rằng, cấm xe tải nặng trên những đoạn trên là nhằm ép họ vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương để thu phí. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, khẳng định không có chuyện này, vì hầu hết xe đi trên quốc lộ 1 đã có lộ trình thay thế đi về các khu công nghiệp, kho bãi, công ty, nhà máy nằm rải rác trên quốc lộ. Nếu phải đi vòng lên cao tốc sẽ vừa tốn phí, đường xa mà thời gian lưu thông bằng thời gian chờ hết giờ cao điểm. Do vậy, khi cấm đi qua huyện Bình Chánh thì lái xe, chủ xe, các hãng vận tải chọn giải pháp dừng, đậu xe lại sẽ kinh tế hơn. Tuy vậy, trong thời gian đầu, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhắc nhở và chưa xử phạt đối với các lái xe đi vào đoạn cấm, Cục IV sẽ theo dõi, lắng nghe, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phân luồng cho phù hợp hơn. Đối với các DN nằm trên tuyến cấm mà có xe vận chuyển hàng tươi sống, nông ngư sản chế biến đông lạnh… có đề nghị lưu thông trong giờ cấm, thì Cục IV có thể cấp phép lưu hành đặc biệt.

Khi công trình mở rộng quốc lộ 1 từ nút giao Tân Kiên đến Long An (dài khoảng 12km, dự kiến khởi công vào quý 2-2016, thi công 27 tháng) hoàn thành, lệnh cấm này sẽ được gỡ bỏ.

 Lộ trình thay thế

Khu vực TPHCM: Phía Bắc, hướng 1 rẽ vào đường Tân Tạo - Chợ Đệm tại nút Tân Tạo lên cao tốc về Long An, Tiền Giang; hướng 2, rẽ vào đường Nguyễn Hữu Trí về Long An; hướng 3, rẽ vào đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm tại nút Bình Thuận lên cao tốc về Long An, Tiền Giang. Phía Nam, hướng 1 rẽ vào đường ĐT830 đi vào đường Nguyễn Hữu Trí ra quốc lộ 1 đi TPHCM; hướng 2, rẽ vào đường ĐT830 ra quốc lộ 1 đi vào đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương đi TPHCM; hướng 3 rẽ vào đường  ĐT835 - quốc lộ 1 đi quốc lộ 50 về TPHCM.
 
Cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông đoạn qua Khu Công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang): Phía Bắc đoạn Km1918+560 - Km1927+900, các xe có thể đi theo hướng 1, 2, 3; ngoài ra các xe có thể rẽ phải vào quốc lộ 62 lên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đi Mỹ Tho. Phía Nam, hướng 1 các xe có thể đi theo nhánh dẫn Đồng Tâm - cao tốc (nút giao Đồng Tâm) tại Km1971+700 lên cao tốc về Long An và TPHCM; hướng 2, phía Nam các xe có thể đi theo hướng nhánh dẫn Lương Phú giao quốc lộ 1 tại Km1963 lên cao tốc về Long An và TPHCM; hướng 3, các xe có thể đi theo hướng đường TL878B - TL879 - TL21 - quốc lộ 1 (thành phố Tân An).

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục