Cần ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới thay cho sửa đổi, bổ sung

Chiều 21-10, trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đồng tình với việc sửa đổi luật. Tuy nhiên, tính chất và quy mô sửa đổi bổ sung lần này khá lớn (chiếm 41% các điều của luật) và luật này đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019. Vì thế, ĐB kiến nghị nên ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới, thay cho tiếp tục chắp vá sửa đổi, bổ sung.

Cần ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới thay cho sửa đổi, bổ sung ảnh 1 Buổi thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vào chiều 21-10. Ảnh: LONG HỒ

Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình với phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính.

“Các vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng tác giả mà còn ảnh hưởng xã hội, người tiêu dùng, hoặc cho xã hội. Vì thế, tất cả hành vi vi phạm phải được phát hiện và xử phạt hành chính”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu quan điểm.

Đồng tình với kiến nghị này, ĐB Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM cho rằng, cần giữ nguyên và thậm chí phải tăng cường hơn nữa việc xử phạt hành chính bởi vì hiện nay có nhiều hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp…

Liên quan đến quyền đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí, ĐB Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng thuận với việc sửa đổi quy định theo hướng giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH-CN.

Cần ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới thay cho sửa đổi, bổ sung ảnh 2 Đại biểu Vũ Hải Quân phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ĐB Vũ Hải Quân, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này từ hơn 40 năm trước và Việt Nam bây giờ mới bàn bạc về việc này là quá chậm trễ. ĐB đề nghị nên mạnh dạn thực hiện, tạo sự đột phá cho phát triển.

Góp ý về xây dựng Luật CSCĐ, các ĐB cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật CSCĐ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Các ĐB cũng góp ý nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa dự thảo Luật CSCĐ với các luật có liên quan.
Cần ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới thay cho sửa đổi, bổ sung ảnh 3 ĐB Đặng Văn Lẫm góp ý xây dựng Luật Cảnh sát cơ động

Về chức năng của CSCĐ, ĐB Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 góp ý: không nên dùng cụm từ “chuyên trách” để quy định chức năng của CSCĐ trong bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Về nhiệm vụ của CSCĐ, dự thảo luật chưa quy định rõ ở phạm vi địa bàn nào thì CSCĐ chủ trì thực hiện nhiệm vụ, còn ở địa bàn nào thì CSCĐ phối hợp thực hiện. Theo ĐB, nếu không quy định rõ ràng thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo giữa các lực lượng khi thực hiện nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục