“Cán bộ cặp lồng”

Cặp lồng là chữ Pháp được Việt hóa khoảng non một thế kỷ nay. Chẳng biết có dựa vào phiên âm Hán hay không? Nhiều chữ Tây được phiên âm theo kiểu đọc  chữ Hán giờ rất ít người biết. Đại khái như “Mã Khắc Tư - Liệt Ninh chủ nghĩa” được hiểu là “Chủ nghĩa Mác - Lê Nin”.
“Cán bộ cặp lồng”

Cặp lồng là chữ Pháp được Việt hóa khoảng non một thế kỷ nay. Chẳng biết có dựa vào phiên âm Hán hay không? Nhiều chữ Tây được phiên âm theo kiểu đọc  chữ Hán giờ rất ít người biết. Đại khái như “Mã Khắc Tư - Liệt Ninh chủ nghĩa” được hiểu là “Chủ nghĩa Mác - Lê Nin”.

Cặp lồng dĩ nhiên được người Pháp mang sang xứ thuộc địa An Nam. Tên gọi chính quốc của nó là “Gamelle”. Vài người Hà Nội cũ phiên âm dân dã gọi nó là cái “cà mèn”. Cà mèn là dụng cụ đựng đồ ăn mang đi xa mới phổ biến ở Việt Nam cũng chỉ trong vòng trăm năm trở lại đây. Ban đầu người ta chẳng mặn mà gì lắm với nó. Đi đâu xa người Việt chỉ cần một cái mo cau đựng cơm nắm và mớ lá chuối, lá dong gói đồ ăn. Tất cả dồn vào trong một chiếc túi cổ truyền gọi là “tay nải” hoặc “tay đẫy”. Chiếc túi này may bằng vải diềm bâu có lúc nhuộm gụ, lúc nhuộm đen, cũng có khi để màu vải mộc cháo lòng. “Tay nải” không chỉ đựng đồ ăn, mà nó còn như một chiếc vali có thể đựng quần áo vật dụng lúc xa nhà. Thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, giáo sư Từ Chi vẫn còn dùng một chiếc túi đi làm như thế. Trong tay nải của ông có bản thảo viết tay nghiên cứu về nghệ thuật tiền sử. Có nhúm gạo con con độ hai nắm tay. Lại có cả xoong nhôm cỡ nhỏ như xoong quấy bột trẻ em. Và một chiếc bếp dầu gia công sáu bấc cũng tí hon như đồ hàng của trẻ con.

Cặp lồng thịnh hành nhất vào thời bao cấp ở thành phố. Cán bộ lương chỉ đủ cơm nhà nên hiếm khi có chuyện quà cáp hàng họ bữa trưa. Thời kỳ này nhà nước cũng áp dụng giờ giấc làm việc công sở theo cách mới, chỉ được nghỉ trưa độ một giờ. Không ai còn đủ thời gian về nhà nấu nướng. Bữa trưa của họ là cặp lồng cơm mang từ nhà đi. Thường thì do nữ cán bộ ở nhà chuẩn bị hai suất cho cả đôi. Cơm mang đến cơ quan mở ra thấy thường xuyên có mấy quả cà pháo muối, vài ngọn rau luộc hoặc canh. Bữa nào sang trọng có thêm quả trứng vịt tráng mỏng chia làm hai phần. Bữa thường may lắm có vài hạt lạc rang mặn chát. Trẻ con trên phố hay đứng chỗ tàu điện rẽ ở ngã tư Cửa Nam quan sát những cán bộ lơ đễnh bị lọt bánh xe đạp vào đường ray ngã quay lơ. Chiếc cặp lồng trên ghi đông xe văng ra tách thành ba đoạn. “Bi lớn, bi bé” hay “sâm nam táo tầu” lăn lông lốc. Bi lớn là cà pháo muối chua, bi bé là lạc rang muối mặn chát. Sâm nam là rau muống luộc ăn với táo tàu là cà pháo. Cơm độn mì sợi đóng bánh trong đáy cặp lồng văng ra bon bon chục mét trên đường mới tạm dừng.

Thời kỳ này hầu như cơ quan đoàn thể nào cũng có chiếc bếp điện may-xo ở trong văn phòng. Đun nước uống trà, hâm lại cặp lồng cơm ăn trưa. Cũng có khi vài cán bộ nữ tháo vát còn mang đậu đen hoặc chân giò đến cơ quan ninh nhờ. Cuối ngày đi làm lại cho vào cặp lồng xách về nhà. Không có món gì ngon bằng chè đậu đen ninh bếp điện cơ quan mấy tiếng đồng hồ mang về thả vài cục đá vào là xì xụp cả nhà tỉ tả. Ngoài cái ngon lành của hạt đậu nhừ nục ra nó còn như một chiến thắng của dân nghèo với ngành điện đã bắt đầu rục rịch tăng giá.

“Cán bộ cặp lồng” là thành ngữ chỉ những cán bộ nghèo phải mang cặp lồng cơm đi ăn trưa ở cơ quan. Tất nhiên là để phân biệt với cán bộ cấp cao không phải mang cặp lồng. Tuy nhiên về sau chẳng biết có phong trào bí mật gì đó khiến cho nhiều cán bộ cao cấp cũng mang cặp lồng đi ăn trưa ở cơ quan. Và tất nhiên cặp lồng cơm của ông ấy cũng bí mật như những tài liệu cơ quan mà ông ấy nắm giữ. Chẳng ai biết bên trong nó đựng những gì. Nhiều ông bà như thế được tuyên dương liêm khiết trong ngành. Nhưng cũng có ông thật thà khai ra “Tớ chẳng ăn được cái gì ngoài cơm vợ nấu!”. Cũng gọi là thật thà phải phép thế thôi chứ cái bà đang nấu cơm cho ông ấy mang đi làm hình như không phải là vợ duy nhất của ông ấy.

Lâu lắm rồi không còn thấy ai mang chiếc cặp lồng cơm đi trên phố nữa. Chẳng phải vì tất cả mọi người đều thích ăn cơm hàng. Chỉ đơn giản là bởi mọi hàng quán bây giờ đều có hộp nhựa cho khách đựng đồ ăn mang về. Hoặc gọi cơm hộp thì cũng có đồ đựng từng suất ăn rất chu đáo. Kể cả đi mua cháo, phở cho người ốm thì nhà hàng cũng có hộp đựng đàng hoàng. Mới chỉ chục năm trước thôi cổng bệnh viện nào cũng có gian hàng bán đồ nhựa. Mặt hàng đắt khách nhất là chiếc cặp lồng nhựa.

Giờ thì không ai được gọi là “cán bộ cặp lồng” nữa. Dù rằng hàng quán bây giờ có rất nhiều vấn đề về vệ sinh thực phẩm thì cũng chưa nguy hiểm bằng cái nhìn của đồng nghiệp khi ai đó mở cặp lồng cơm ra ăn ở cơ quan...!!!

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục