
Vì sao các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài không được giải quyết dứt điểm? Do đâu người dân không tin ở chính quyền cấp cơ sở trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo? Tại các hội nghị, hội thảo về tình hình và giải pháp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhiều ý kiến đã đặt ra những câu hỏi trên để tìm câu trả lời cho vấn đề “nóng” đang được người dân đặc biệt quan tâm.
Chậm, thiếu kiên quyết do cấp dưới

Tiếp nhận đơn khiếu nại của dân tại phòng tiếp dân Thanh tra TPHCM. Ảnh: HOÀI NAM
Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, thời hạn xem xét giải quyết đơn khiếu nại lần đầu là 30 ngày. Với những vụ việc khiếu nại phức tạp, thời gian được quy định là 45 ngày. Để “né” quy định này, nhiều cơ quan chức năng khi tiếp nhận đơn của người dân thường không viết biên nhận ngay mà tìm cách “đẩy đưa”, hoặc lấy lý do hồ sơ còn thiếu giấy này, giấy kia để trì hoãn thời điểm xác nhận tiếp nhận đơn. Hậu quả là người dân phải đi lại, chờ đợi nhiều lần mới được xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại.
Trung bình mỗi năm TPHCM tiếp nhận khoảng 10.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Gần 90% đơn thư có nội dung liên quan đến chính sách đất đai, đền bù, tái định cư thực hiện các dự án. Phần lớn những đơn thư này gửi vượt cấp. Có nghĩa là, vụ việc khiếu kiện xuất phát từ cơ sở, nhưng lên đến quận - huyện thì bị “tắc”. Do vậy, tâm lý người dân đi khiếu kiện thường sợ đơn thư của mình bị “ngâm” hoặc bị “đẩy đưa”, nên tìm cách “vượt cấp”. Vì sao có tình trạng đơn thư khiếu kiện của người dân không được giải quyết dứt điểm ở cấp dưới? “Do tâm lý người dân chưa tin với cách giải quyết ở cấp dưới và cho rằng cấp dưới giải quyết chậm, giải quyết không đến nơi đến chốn hoặc nửa vời, mặc dù biết rằng đi lên trên sẽ tốn kém chi phí đi lại nhiều hơn” – Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhận định. Cũng theo Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, tình trạng khiếu kiện phổ biến và kéo dài hiện nay do người dân còn bức xúc với cách giải quyết lần đầu của các cơ quan có thẩm quyền ở cấp dưới, mà còn bức xúc thì còn đi khiếu kiện. Cơ quan thanh tra và văn phòng tiếp công dân ở cấp tỉnh-thành là hai nơi người dân “tìm đến” nhiều nhất. Hiện hai cơ quan này đang quá tải do không thể cùng một lúc giải quyết được hàng ngàn đơn thư. Mặt khác, nhiều vụ việc cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc đã quá thời hiệu xem xét, hay nội dung không rõ ràng…
“Xử” cán bộ chậm giải quyết đơn khiếu nại của dân
Đó là nội dung được đề cập trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Tại khoản 2, Điều 61 quy định: “Trong thời gian quy định, người giải quyết khiếu nại không giải quyết thì thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đó phải tiến hành kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại. Trường hợp người giải quyết khiếu nại thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết, gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại thì thủ trưởng cơ quan cấp trên áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức để xử lý”. Về quy định này, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền nói thêm: “Nếu nơi nào làm không hết trách nhiệm; nơi nào không giải quyết đúng quy định pháp luật về các vụ việc có liên quan đến dân, để “nhùng nhằng”, thì chỗ này phải bị xử lý trách nhiệm.
- PV: Quy định này trong thực tế không đủ “ép phê” vì thiếu tính chế tài?
Tổng Thanh tra TRẦN VĂN TRUYỀN: Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ trình Chính phủ ban hành quy định về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân khi người dân đi khiếu kiện. Ví dụ, nơi nào, cán bộ nào để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù. Thiệt hại về vật chất phải đền bù bằng vật chất tương xứng; thiệt hại về tinh thần phải công khai xin lỗi dân về những việc làm thiếu trách nhiệm của mình gây ra.
- Thế nhưng, có nhiều vụ khiếu kiện thời gian qua được nhiều cơ quan tham gia giải quyết và có tình trạng “mỗi ông nói mỗi kiểu”?
Đúng là trong thực tế có việc cơ quan chức năng đã ra quyết định giải quyết cuối cùng rồi nhưng người khiếu kiện không chấp nhận, buộc chúng ta phải xem xét lại. Ngược lại, có vụ người khiếu kiện chấp nhận, cơ quan có thẩm quyền lại không chấp nhận. Chưa kể, có vụ việc, nhiều cơ quan thẩm quyền cùng tham gia giải quyết và giải quyết theo nhiều ý kiến khác nhau. Tình trạng “nhùng nhằng” này vẫn còn và khá phổ biến ở cấp cơ sở. Cái này chính là nguyên nhân gây bức xúc cho dân. Có nhiều vụ việc 2, 3 năm, thậm chí cả chục năm mà không giải quyết dứt điểm thì người dân bức xúc là phải. Tình trạng không ít địa phương thiếu công khai minh bạch, thiếu giải quyết một cách thấu đáo các vấn đề liên quan đến dân; còn có tiêu cực trong cán bộ, công chức khi xem xét giải quyết các vụ việc của dân.
- Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa Tổng Thanh tra?
Do các cấp ủy Đảng tại nơi đó dành thời gian cho công tác giải quyết các khiếu kiện của dân chưa đúng mức; chưa thường xuyên kiểm tra và giải quyết các vụ việc không ráo riết. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là tham mưu, giải quyết một số vụ còn “nhùng nhằng”. Một số lợi dụng việc khiếu kiện của dân để vụ lợi, kể cả về chính trị. Có không ít trường hợp đi khiếu kiện như là đi đánh thuê, làm thuê. Do đó, những đối tượng này đeo bám đến cùng. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng kích động, lôi kéo, xúi giục, tài trợ cho người đi khiếu kiện nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.
Hoài Nam