“Từ năm 2015-2017, cấp huyện và cấp cơ sở của huyện Củ Chi đã đưa ra khỏi quy hoạch 114 đồng chí, trong đó có 23 trường hợp bị đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ còn hạn chế”, đồng chí Lê Thanh Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Củ Chi (TPHCM), cho biết.
Theo đồng chí Lê Thanh Phong, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt các văn bản liên quan đến công tác cán bộ. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt chủ trương của Trung ương và Thành ủy về công tác quy hoạch cán bộ.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ. “Quy hoạch cán bộ là một trong những khâu quyết định đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ”, đồng chí Lê Thanh Phong khẳng định và nhấn mạnh đây còn là giải pháp để chủ động tạo nguồn, khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác này cũng là cơ sở để thực hiện việc luân chuyển, đào tạo cán bộ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Trước những yêu cầu này, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo, rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ trước khi tiến hành công tác quy hoạch cán bộ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong 3 năm gần nhất (dựa vào kết quả phân tích chất lượng đảng viên và kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức) được xem là căn cứ quan trọng để phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch.
Ngoài ra, để thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ theo phương châm “mở”, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu như Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy chuẩn bị danh sách quy hoạch “mở” để giới thiệu về cơ sở. Danh sách này được lựa chọn từ các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được đào tạo chính quy, từ nguồn cán bộ 3 chương trình của Thành ủy; cán bộ nữ, trẻ. Kết quả, quy hoạch cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý giai đoạn 2020-2025 có hơn 680 đồng chí (trong đó có 305 nữ). Trình độ chuyên môn trên đại học, trình độ lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp)… của các cán bộ này đều tăng cao so với nhiệm kỳ 2005-2010.
Trên cơ sở kết quả công tác quy hoạch nêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Củ Chi tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác vận hành sau quy hoạch như đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển. Trong đó, việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ đều dựa trên cơ sở quy hoạch; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đánh giá mặt mạnh, mặt yếu… Tính từ đầu nhiệm kỳ (2015) đến cuối năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 85 đồng chí. Sau thời gian luân chuyển, đa số cán bộ đã trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, phù hợp với trình độ, khả năng.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ và vận hành sau quy hoạch ở huyện Củ Chi vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể, một vài trường hợp sau khi được quy hoạch lại không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật… nên bị đưa ra khỏi quy hoạch; một số đồng chí khi được đề bạt chức vụ cao hơn thì gặp lúng túng trong giải quyết, xử lý công việc, nhất là khi gặp các vấn đề nhạy cảm.
Do đó, nhằm đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng tập trung chỉ đạo, rà soát, bổ sung công tác quy hoạch cán bộ của huyện và cơ sở. “Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch đối với những đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ, hay hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn còn có những hạn chế”, đồng chí Lê Thanh Phong khẳng định. Bên cạnh đó, những cán bộ thiếu gương mẫu, có nhiều dư luận không hay, hoặc có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật cũng bị đưa ra khỏi quy hoạch.