Cần bố trí nguồn lực hợp lý

(SGGP).- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau một năm triển khai thực hiện, đã có 100% tỉnh, thành thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) chương trình; 83% cấp huyện thành lập BCĐ và 52% cấp xã thành lập ban quản lý. Một số tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình đạt được nhiều kết quả khá, thể hiện sự sáng tạo của nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, là bài học kinh nghiệm để BCĐ và các địa phương khác rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình còn bộc lộ một số nhược điểm như một số địa phương và người dân chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực bên ngoài; công tác hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo thiếu chủ động; năng lực của cán bộ còn bất cập, chưa kịp thời đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn..

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện cuộc thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tạo cơ hội huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, trong đó cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, người dân đóng vai trò chủ thể cùng với các tổ chức chính trị xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành huy động tổng hợp các nguồn lực (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động khác và sức dân) để tập trung thực hiện chương trình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, gia đình và bản thân của mình, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai. Thực hiện tốt việc phân cấp đầu tư cho cấp xã, đồng thời phải tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra giám sát của người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn. Phấn đấu trong năm 2011 cơ bản xây dựng xong quy hoạch, trong đó 30% số xã hoàn thành cả quy hoạch chi tiết.

L.Nguyên

Tin cùng chuyên mục