Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, ngành thép Việt Nam chính thức phục hồi tăng trưởng từ tháng 4-2017, sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng theo từng tháng.
Cả năm 2017, tổng lượng thép các loại xuất khẩu của nước ta đạt 4,71 triệu tấn với giá trị đạt 3,15 tỷ USD, tăng 35,58% về lượng và 55,14% về giá trị so với năm 2016.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2018, các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cả số lượng và chất lượng nhằm đưa sản phẩm thép Việt dấn sâu vào thị trường thế giới.
Tuy nhiên, việc áp mức thuế chống bán phá giá “sốc” của Mỹ đã khiến hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường của doanh nghiệp thép Việt bị chựng lại.
Sản xuất thép xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, việc áp mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép Việt chưa có tác động mạnh đến ngành thép.
Bởi, xét trên cơ cấu thị trường, ASEAN vẫn là thị trường dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu khi chiếm 59% tổng lượng thép xuất khẩu của cả nước. Kế đến là thị trường Mỹ chiếm 11,1%, châu Âu 8,9%, Hàn Quốc 6%, Ấn Độ 3,6%, Đài Loan 2,3%…
Tuy nhiên, trong dài hạn, việc đánh thuế chống bán phá giá mặt hàng thép của Việt Nam tại Mỹ có nguy cơ hiệu ứng domino từ các thị trường xuất khẩu khác.
Bởi, chỉ cần một quốc gia tiến hành điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, có thể dẫn đến nguy cơ các thị trường khác cũng tiến hành điều tra với các sản phẩm tương tự nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, thép là ngành phải đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu và hiện bị áp thuế chống bán phá giá từ các quốc gia khác ngoài Mỹ như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Thép xuất khẩu Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Sản lượng thép Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong 25 năm qua, đạt gần 900 triệu tấn/năm; trong khi nhu cầu sử dụng thép của nước này chỉ ở mức trên dưới 600 triệu tấn/năm. D
o vậy, với lượng cung dư quá lớn, Trung Quốc đã đặt nhiều nước sản xuất thép vào thế cạnh tranh gay gắt. Để có thể giảm thiểu những rủi ro, cũng như giữ vững đà tăng trưởng cho ngành sản xuất thép, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần thiết phải xem lại hiệu quả của hoạt động thu hút đầu tư.
Những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thời gian qua đã tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư ồ ạt dịch chuyển sang Việt Nam nhưng có rất nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư những khâu sản xuất giản đơn, không đi sâu chế biến, sản xuất.
Sau đó, đóng mác sản xuất tại Việt Nam để hưởng mức thuế suất ưu đãi (do Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại tự do). Đây là cơ sở để thị trường các nước đánh thuế mạnh vào mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Cần thiết, thu hút đầu tư nước ngoài phải gắn kết được hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển, nhất là hình thành những liên kết chuỗi cung ứng.
Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới không phải gánh chịu hậu quả từ việc cạnh tranh thị trường với chính doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam.