(SGGP).- Hôm qua 15-12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ”.
Theo đánh giá của các nhà quản lý, nhà khoa học tại hội nghị, đến nay chỉ có từ 0,1%-0,3% doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ là quá thấp. Trong khi đó, đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Ấn Độ là khoảng 5% và Hàn Quốc là 10% doanh thu doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam đang phải nhập rất nhiều thiết bị đồng bộ từ nước ngoài. So sánh với mặt bằng khu vực ASEAN, trình độ công nghệ Việt Nam hiện nay ở mức trung bình và tương đương với các nước Philippines, Indonesia.
Hiện nay ở nước ta đã có hơn 1.000 doanh nghiệp KH-CN nhưng hầu hết đều ở quy mô nhỏ. Chính vì vậy, Bộ KH-CN sẽ tìm các biện pháp để thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp KH-CN, xem đó là khâu đột phá để đổi mới công nghệ, ứng dụng, phát triển KH-CN phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng Nhà nước cần tạo cơ chế cho các nhà khoa học, ngoài tiền lương tối thiểu bảo đảm thì còn có những thu nhập chính đáng từ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho sản xuất và kinh doanh; cần tạo cơ chế sao cho các doanh nghiệp phải tìm đến và dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu để có thể phát triển các công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh. Hình thành được cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, phải có chính sách trọng dụng, ưu đãi cán bộ KH-CN, nhất là những người giỏi, người đứng đầu các nhiệm vụ, chương trình quốc gia, người được giao đứng đầu các tập thể khoa học trong nghiên cứu, phát triển KH-CN.
Tr.Lưu