Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang ở trong quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh. Với tốc độ phát triển như hiện nay, dự báo đến năm 2015 tổng lượng chất thải phát sinh sẽ lên đến 35 triệu tấn. Điều đáng nói là nếu không có cơ chế khuyến khích cơ sở, tổ chức, cá nhân giảm lượng chất thải phát sinh thì sẽ gây khó cho hệ thống hạ tầng xử lý chất thải.
Hạ tầng xử lý chất thải: quá tải
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, trong 35 triệu tấn chất thải phát sinh năm 2015, có đến 51% là chất thải rắn đô thị, 22% là chất thải công nghiệp, 20% chất thải nguy hại và cuối cùng còn lại là số lượng chất thải phát sinh từ hoạt động nông thôn, làng nghề và y tế. Trong đó, hơn một nửa lượng chất thải phát sinh tại khu vực TPHCM. Thành phần chất thải được dự báo ngày càng phức tạp, thay đổi từ chỗ dễ phân hủy sang ít phân hủy và nguy hại hơn. Và tất yếu một hệ quả kéo theo là đòi hỏi công nghệ xử lý phải hiện đại hơn, chi phí xử lý cũng vì thế mà tốn kém hơn. Đây mới chính là thử thách lớn cho các cơ quan chức năng, tỉnh thành.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, giá thành xử lý chất thải rắn đô thị tại TPHCM hiện giao động từ 5 USD đến hơn 18 USD/tấn. Tuy nhiên, giá thành này áp dụng cho công nghệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp và tái chế thành phân compost.
Trong thời gian tới, khi quỹ đất dành cho chôn lấp chất thải ngày càng cạn kiệt, trong khi số lượng chất thải ngày càng tăng, thành phần chất thải ngày càng nguy hại thì hạ tầng xử lý chất thải hiện tại không sẽ còn phù hợp. Các cơ quan chức năng bắt buộc phải ứng dụng một số công nghệ xử lý mới, hiện đại hơn nhưng như vậy thì giá thành cũng cao hơn rất nhiều. Do vậy, để giảm áp lực gia tăng chi phí xử lý chất thải, nhất thiết phải triển khai thực hiện các chương trình nhằm khuyến khích giảm thiểu lượng phát thải ngay tại nguồn là các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, công nghiệp và bệnh viện.
Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, có thể giảm đáng kể lượng phát sinh chất thải bằng cách nâng cao nhận thức và tạo các cơ chế khuyến khích về kinh tế và các cơ chế khen thưởng khác. Ước tính nếu giảm được 10% lượng chất thải phát sinh sẽ giúp tiết kiệm xấp xỉ hơn 200 tỷ đồng mỗi năm. Song để làm được việc này lại không dễ sàng gì.
Cần tạo các cơ chế khuyến khích
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, sản xuất sạch hơn đã được áp dụng tại nước ta hơn 10 năm qua. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Song cái khó không phải là công nghệ mà chính là nhận thức của chủ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục tư vấn và vay vốn để ứng dụng giải pháp sản xuất sạch hơn quá phức tạp, nhiêu khê. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, việc thay mới thiết bị sản xuất sẽ khiến cho hoạt động của họ bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất nên ngại thực hiện.
Ông Trần Văn Hòa, Phó phòng Quản lý năng lượng TPHCM, cho biết, ngay việc quy định các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm phải có báo cáo thực trạng sử dụng và giải pháp nhằm tiết giảm năng lượng tiêu hao định kỳ nhưng rất ít doanh nghiệp chấp hành. Còn với chất thải đô thị, để có thể giảm thiểu chi phí xử lý nhờ tăng lượng rác phân loại, tái chế, tái sử dụng lại càng khó hơn.
Tại TPHCM, từ năm 2006, TPHCM đã triển khai thí điểm chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 6 quận huyện trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, sau 3 năm thực hiện, kết quả được đánh giá là chỉ đạt 25%. Hiện thành phố đang cho triển khai lại chương trình này nhưng chỉ giới hạn phạm vi thực hiện tại một số khu dân cư có trình độ dân trí cao, quy hoạch ổn định hoặc tại trung tâm thương mại, siêu thị. Hà Nội từ năm 2010 đã bắt đầu thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng hiệu quả thực tế rất kém.
Do vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần tạo ra nhiều chính sách kinh tế để khuyến khích hơn nữa cho mọi đối tượng xã hội giảm lượng chất thải phát sinh. Trong đó, tập trung sửa đổi những thủ tục hành chính nhiêu khê liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phát triển xanh hơn, sạch hơn; cần có chính sách hỗ trợ thông tin có tính ưu tiên kích cầu cho sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn.
Còn về phía người dân, nên kết hợp chính sách khen thưởng và xử phạt trong trường hợp họ thực hiện tốt hoặc không thực hiện biện pháp phân loại chất thải tại nguồn. Riêng đối với các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực xử lý chất thải, nhất thiết phải được giải quyết nhanh chóng về thủ tục hỗ trợ đất, vốn, hạ tầng... Có như vậy thì mới mong giảm áp lực xử lý chất thải trong tương lai gần.
| |
Phúc Anh