(SGGP).- Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta) vừa tổ chức tổng kết đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Tại đây, một số ý kiến cho rằng, nhiều phản biện của nhiều trí thức đã bị rơi vào tình trạng “ít có người nghe”. Phó Tổng thư ký Vusta Phạm Bích San cũng cho rằng, cơ chế phản hồi giữa cơ quan nhận kết quả không rõ ràng nên nhiều khi đã không đánh giá được hiệu quả. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp do tác động của bệnh thành tích hoặc nhóm lợi ích nên đôi khi vẫn coi hoạt động phản biện là soi mói vào nội tình, không phải lúc nào họ cũng có thái độ cởi mở với kết quả nhận được.
Từ đó, nhiều nhà khoa học đã đề xuất giải pháp để việc phản biện có hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Ngọc Thu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng cần có cơ chế lấy ý kiến góp ý chính sách từ các nhà khoa học, chuyên gia là một điều khoản bắt buộc, khi đó các ý kiến đóng góp sẽ có giá trị pháp lý. Ngoài ra, từng hiệp hội, các nhóm nhà khoa học phải tự phát hiện, tự đề xuất vấn đề thay vì chỉ tư vấn, phản biện theo đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Ba (Tổng hội Xây dựng) có quan điểm, hoạt động tư vấn phải được xem như một loại dịch vụ. “Chỉ khi nào các tổ chức, cá nhân đặt hàng tư vấn phản biện có kèm theo đặt tiền thì mới tạo cơ sở ràng buộc là phải lắng nghe”, ông Ba đề xuất. Các nhà khoa học cũng không nên thụ động chờ phản hồi mà phải có ý kiến đòi hỏi thích đáng.
Thời gian qua, Vusta đã có nhiều hoạt động tư vấn phản biện xã hội nổi bật về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Dự án xây nhà máy thủy điện Sơn La, xây đập thủy điện Xayabury trên sông Mekong, xây nhà máy điện hạt nhân, quy hoạch chung thủ đô...
P.Thảo