Tình trạng doanh nghiệp nợ tiền BHXH tại TPHCM vẫn không giảm. Ước tính tại TPHCM số tiền doanh nghiệp nợ BHXH trên 1.000 tỷ đồng.
Sở dĩ doanh nghiệp chây ì nộp BHXH cho người lao động là do lãi suất quy định đối với doanh nghiệp nếu chậm đóng chỉ 10,5%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng trên thực tế mà doanh nghiệp phải đi vay có khi cao hơn nhiều lần. Đây chính là kẽ hở chiếm dụng tiền BHXH để làm vốn. Việc kiện các doanh nghiệp nợ BHXH hiện nay chỉ là giải pháp tình thế.
Bởi, số lượng doanh nghiệp nợ BHXH nằm trong diện bị kiện lên đến hàng ngàn, nếu làm thủ tục kiện hết không biết bao giờ xong. Đó là chưa kể đến thủ tục khởi kiện rườm rà. Rồi đến khi kiện thắng thì quá trình thi hành án cũng còn rất cam go vì nhiều DN không còn tài sản, hoặc đã thế chấp hết cho ngân hàng để vay vốn. Đó là chưa nói đến khi thua kiện, chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì quyền lợi của người lao động gần như mất trắng…
TPHCM, một trong những địa phương có đông lao động làm việc, tình hình quan hệ lao động ở địa phương này khá nóng bỏng, tình trạng vi phạm pháp luật lao động, trốn đóng nợ đọng BHXH diễn ra phổ biến ở nhiều loại hình DN. Trong năm 2011, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM đã tiến hành 1.662 cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng do lực lượng quá mỏng so với trên 40.000 doanh nghiệp có đóng BHXH cho người lao động. Thế nhưng, ngành BHXH - cơ quan trực tiếp thu và giải quyết chế độ chính sách về BHXH - lại không có quyền thanh tra, xử phạt vi phạm. Công việc thanh tra, xử phạt được giao cho thanh tra ngành LĐTB-XH, nhưng thanh tra ngành này quá mỏng, đã thế một thanh tra viên lại kiêm nhiệm nhiều công việc và mảng BHXH chỉ là một phần công việc.
Cả nước có khoảng 470 thanh tra viên phải đảm trách nhiều công việc như tài chính, tổ chức, lao động, trẻ em, bình đẳng giới. Trong khi đó có đến 350.000 doanh nghiệp với hàng chục triệu lao động đang làm việc trong nhiều lĩnh vực, để thanh tra, kiểm tra tình hình lao động tại các doanh nghiệp phải mất thời gian rất lâu. Ngoài ra, khó khăn khác là trình độ chuyên môn thanh tra lao động không đồng đều, nhiều nơi còn quá yếu kém. Ở một số địa phương, thanh tra lao động chưa thực hiện chức năng thanh tra mà chỉ thực hiện công tác kiểm tra.
Thiết nghĩ, ngoài việc nâng mức xử phạt bằng 20% số tiền nợ BHXH, cao nhất là 500 triệu đồng để ngăn ngừa và bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội danh “chiếm dụng Quỹ BHXH” đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng vi phạm các quy định liên quan về BHXH. Đồng thời, cần thành lập ngay lực lượng phải có thanh tra chuyên ngành BHXH để kiểm tra, xử phạt tình trạng chây ì nợ BHXH của các doanh nghiệp.
HỒ THU