Vụ biệt thự trên 100 tuổi bị tháo dỡ
Bức xúc và tiếc nuối cho một công trình kiến trúc đẹp là cảm xúc của nhiều độc giả báo SGGP sau khi báo SGGP thông tin vụ việc ngôi biệt thự tuyệt đẹp trên 100 tuổi ở số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh TPHCM bị tháo dỡ. Tuy nhiên, xử lý vụ việc này như thế nào lại là vấn đề thu hút được nhiều ý kiến nhất…
Tiến sĩ, kiến trúc sư Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch xây dựng TPHCM, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, nêu nguyên tắc: Thành phố cần lập ngay một tổ đánh giá, thẩm định ngôi biệt thự nêu trên. Việc thẩm định nên được xem xét ở nhiều góc độ: giá trị kiến trúc, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Căn cứ vào giá trị của ngôi biệt thự, thành phố sẽ có quyết định xử lý. Phục hồi toàn bộ hay phục hồi một phần, thậm chí có thể tháo dỡ luôn nếu thấy không có giá trị. Bên cạnh việc xử lý đối với ngôi biệt thự, thành phố cũng cần xem xét trách nhiệm của chủ ngôi biệt thự trong việc chấp hành quy định về tháo dỡ biệt thự đã được quy định rõ trong Công văn số 3606/UB-QLĐT ngày 19-10-1996 của UBND TPHCM. Theo đó, việc tháo dỡ các biệt thự cũ (được xây dựng trước năm 1975) phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng với việc xem xét trách nhiệm của chủ biệt thự cũng phải xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền chậm trễ trong việc giải quyết đề xuất của người dân liên quan đến việc tháo dỡ biệt thự, người chịu trách nhiệm phải bị xử lý nghiêm.
Là người tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị tại TPHCM, trong đó có ngôi biệt thự trên, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho rằng, cần phục hồi lại nguyên trạng ngôi biệt thự này bởi lẽ ngôi biệt thự này đã được Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM xếp vào nhóm 1-nhóm có giá trị điển hình về kiến trúc, cần giữ lại để bảo tồn.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hòa, trong quá trình nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc đã lập hồ sơ thiết kế cũng như chụp lại đầy đủ hình ảnh ngôi biệt thự. Đây sẽ là cơ sở để khôi phục lại nguyên trạng. Các kiến trúc sư của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc có thể làm tham mưu cho chủ nhà trong việc khôi phục. Tuy nhiên, chi phí ai chi trả sẽ phải được xem xét trên cơ sở đánh giá trách nhiệm của các bên liên quan.
Anh Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - Tổ trưởng Tổ kỹ thuật của Hội đồng phân loại biệt thự cũng cho rằng cần khôi phục lại biệt thự, song vẫn băn khoăn, việc này chưa có tiền lệ, nên sẽ rất khó xử trong việc phân định trách nhiệm.
Ở góc độ khác, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM nhận định, hơn 40 năm (từ 1975) mà các sở ngành chức năng của thành phố chưa ban hành được tiêu chí để bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị là làm khó cho những người chủ các công trình kiến trúc này. Việc này chẳng khác gì người dân bị “quy hoạch treo” ngay trong chính ngôi nhà của mình. Hư không được sửa chữa, cũ không được đập đi xây mới. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị, chính quyền mua lại các công trình đó và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định. Với những công trình kiến trúc ít có giá trị hơn song vẫn cần được bảo tồn để lưu lại lịch sử cho thế hệ sau, chính quyền hướng dẫn người dân cách bảo tồn công trình, đồng thời cho phép họ được khai thác để kinh doanh, phục vụ cho cuộc sống của chính họ.
TPHCM có thể học tập kinh nghiệm này và việc cần làm trước mắt, sớm hoàn thành bộ tiêu chí về bảo tồn các biệt thự có giá trị đồng thời với việc xây dựng cơ chế quản lý, khai thác hữu hiệu các công trình này, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chủ những ngôi biệt thự này, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nói.
NGUYỄN KHOA
>> Một biệt thự tuyệt đẹp trên 100 tuổi bị tháo dỡ