Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi kinh tế TPHCM

TS. Trương Minh Huy Vũ đề nghị cần tạo cơ chế đội đặc nhiệm (task forces) để thúc đẩy các vấn đề của TPHCM trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM; mục tiêu là phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành.

 

Ngày 16-10, UBND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, ĐBQH khóa XV; cùng sự tham dự của các sở, ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.     

Tại hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều gợi mở các giải pháp cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

TS. TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM: Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi

 Khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 vừa là “phòng thí nghiệm”, vừa là chất xúc tác cho việc cải cách về mặt quản trị công. Trong chống dịch, chúng ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”, thì giờ đây, trong phục hồi kinh tế, cần phải khẩn cấp phục hồi. Hai giai đoạn trong thời gian tới là “giai đoạn phục hồi kinh tế” (từ ngày 1-10-2021) và “giai đoạn tái thiết – phát triển thành phố” (từ giữa năm 2022 trở đi).

Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi kinh tế TPHCM ảnh 1 TS. Trương Minh Huy Vũ đề nghị cần điều chỉnh bộ máy “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19” hiện nay thành “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đối với TPHCM, có 11 vấn đề cần phục hồi khẩn cấp: Y tế và điều trị trong tình hình mới; tổ chức lại sản xuất; thương mại và chợ; các ngành dịch vụ; kinh tế phi chính thức; lao động; an sinh xã hội; xây dựng, nhà ở lưu trú, nhà ở xã hội; giao thông vận tải; giáo dục – đào tạo; chuẩn bị và triển khai các phương án khả thi để huy động các nguồn lực cho TPHCM.

Để phục hồi hiệu quả phải có bộ máy và con người. Tôi đề nghị cần điều chỉnh bộ máy “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19” hiện nay thành “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM”. Để đáp ứng tính khẩn cấp, cần có sự điều chỉnh trong cách làm. Theo đó, cần tạo cơ chế thí điểm, chủ động phân quyền cho 1-2 địa phương, đơn vị trong một số lãnh vực nhất định; từ đó tiếp tục mở rộng. Cần tạo cơ chế đội đặc nhiệm (task forces) để thúc đẩy các vấn đề trên trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM; mục tiêu là phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành.

Giai đoạn tái thiết TPHCM như người bệnh đã khỏe lại, tuy vậy qua cơn bạo bệnh cần phải từ bỏ các thói quen cũ. Chú trọng của giai đoạn này là điều chỉnh và xây dựng nền tảng mới ở một số lĩnh vực. TPHCM cần thúc đẩy quan điểm quản lý từ việc chỉ tập trung đánh giá các yếu tố đầu vào và quy trình, thủ tục sang việc bao gồm cả đánh giá yếu tố đầu ra và kết quả công việc. Tăng cường việc lượng hóa, đo lường các tiêu chuẩn, chỉ số hiệu suất công việc… Cần tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đổi mới theo hướng quyền tự chủ cao hơn cho các quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng xã hội hóa dịch vụ công và chú trọng đề cao hiệu quả, sáng kiến cộng đồng, ý tưởng cá nhân.

 Chuyên gia kinh tế NGUYỄN XUÂN THÀNH, Đại học Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay sau khi nới lỏng giãn cách

Đối với Việt Nam, để phục hồi trong năm 2022, tăng trưởng cần phải được hỗ trợ bởi sự song hành của cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong đó, về chính sách tiền tệ, tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào. Chính sách tài khóa, kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025). Nếu tiêm đủ vaccine trên cả nước vào trước Tết Nguyên đán, thì tất cả các hoạt động kinh tế trong nước cần được mở lại ngay sau Tết và cũng bắt đầu luôn lộ trình mở cửa quốc tế.

Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi kinh tế TPHCM ảnh 2  Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành: Không bơm tiền cho nền kinh tế, nhưng linh hoạt theo hướng luôn đảm bảo thanh khoản tốt cho hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khi có độ phủ vaccine cả 2 liều trên 80% dân số, tỷ lệ người nhiễm chuyển nặng và tỷ lệ tử vong được kiểm soát ở mức thấp thì chính sách cần theo hướng các hoạt động kinh tế (trừ những dịch vụ có mức độ tiếp xúc trực tiếp nhiều người cao) sẽ không đóng lại. Với chính sách mở cửa này cộng với gói hỗ trợ phía tài khóa thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%. Và để đảm bảo ổn định vĩ mô, không bơm tiền cho nền kinh tế, nhưng linh hoạt theo hướng luôn đảm bảo thanh khoản tốt cho hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Không để lãi suất tăng khi lạm phát vẫn trong tình hình kiểm soát tốt. Ngân hàng Nhà nước định hướng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho cả nền kinh tế trong năm (có thể đặt mục tiêu tăng tín dụng 13%), nhưng không áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Ngoài ra, cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Bởi ngay cả khi sản xuất phục hồi, nhưng đầu tư tư nhân thì thường sẽ không phục hồi nhanh. Do vậy, các dự án đầu tư công cần được đẩy mạnh giải ngân ngay sau khi nới lỏng giãn cách. Không chỉ thay thế cho đầu tư tư nhân trong vai trò là động lực tăng trưởng, các công trình tái khởi động sẽ giúp ngành xây dựng phục hồi trở lại. Việc tăng bội chi ngân sách sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công, nhưng sẽ không vượt trần. Khó khăn là các giới hạn về tỷ lệ chi trả nợ trên tổng thu ngân sách và nợ chính phủ. Với nới lỏng các giới hạn này sẽ giúp tăng quy mô gói hỗ trợ kinh tế từ phía tài khóa mà vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô.

PGS.TS. TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Cần hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và mồ côi

Cùng với quan tâm tới các trẻ em mồ côi vì Covid-19, rất cần quan tâm đến sinh viên có ba, mẹ mất vì Covid-19. Nhiều em sinh viên mồ côi đang rất bơ vơ, thậm chí sang chấn tâm lý và rơi vào cảnh không còn tiền để học tập. Các em cũng chưa thể đi làm thêm được vì vừa trải qua biến cố; hoặc chưa thuận tiện kiếm việc làm thêm vì nhiều nhà hàng, quán ăn chưa mở cửa trở lại, việc dạy thêm trực tuyến cũng không thuận lợi. Đối với những sinh viên này, trước mắt, rất cần các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp miễn học phí cho năm học 2021-2022. Đồng thời, rất cần TPHCM và các địa phương, mạnh thường quân… quan tâm hỗ trợ, giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ ở giảng đường.

Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi kinh tế TPHCM ảnh 3 PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Rất cần quan tâm đến sinh viên có ba, mẹ mất vì Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời, đối với nhóm sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn, cũng rất cần được quan tâm hỗ trợ bằng việc mở rộng cánh cửa cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, giúp các em có điều kiện đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt. Hiện nay, nhiều sinh viên chưa đi làm thêm được nên Ngân hàng chính sách xã hội cần cho vay vừa để đóng học phí, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo chi phí sinh hoạt cho các em. Có như vậy, TPHCM và cả nước mới không bị đứt gãy nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

GS.TS. HUỲNH VĂN SƠN, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Xác lập chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân

Những tác động khủng khiếp của đại dịch trải dài từ kinh tế, sức khỏe, xã hội cho đến kiệt quệ cả thể chất và tinh thần của từng con người.

Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi kinh tế TPHCM ảnh 4 GS.TS. Huỳnh Văn Sơn: Thúc đẩy chiến lược chăm sóc tinh thần dài hạn cho người dân trong các bối cảnh của dịch bệnh là một nhu cầu cấp thiết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong và sau đại dịch Covid-19, các rối loạn và tổn thương về tinh thần như: Lo âu, trầm cảm, căng thẳng (stress), suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn/tổn thương căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và nhiều tổn thương thần kinh phức tạp khác kéo dài về nhau. Các tổn thương, di chứng về tinh thần không chỉ xuất hiện ở người mắc Covid-19 mà còn lan ra các nhóm nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, và từng người dân đang phải sống trong cách ly, phong tỏa. Tỷ lệ xuất hiện PTSD khoảng 30% trong số người mắc Covid-19, rất cần hỗ trợ điều trị tâm lý ngay sau đại dịch.

Tất cả thực trạng đó dẫn đến nguy cơ rất cao xuất hiện những rối nhiễu tâm lý, làm suy giảm sức khỏe tinh thần sau đại dịch (aftermath) mà hệ quả là giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Vì thế, việc thúc đẩy chiến lược chăm sóc tinh thần dài hạn cho người dân trong các bối cảnh của dịch bệnh là một nhu cầu cấp thiết. Tôi khuyến nghị xác lập chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần, đề xuất thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch (Center for Better Mind – CBM) thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Đây là một động thái nhân văn nhưng rất hiện đại cần nhận thức một cách sâu sắc và thực thi bằng trách nhiệm cụ thể. Đó là cơ sở quan trọng cũng như các động thái để góp phần mau chóng hồi phục kinh tế xã hội của TPHCM nhưng đảm bảo phát triển bền vững và tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Tin cùng chuyên mục