Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định bộ sẽ tham gia xây dựng một bộ sách giáo khoa (SGK) và các tổ chức, cá nhân sẽ biên soạn nhiều bộ SGK khiến dư luận băn khoăn. Dù cho vị thủ lĩnh ngành giáo dục tuyên bố “sẽ cạnh tranh công bằng và sách nào hay sẽ được chọn”, nhưng những ai có tâm huyết với việc viết SGK đều e ngại, có thể nản lòng. Dù đã có chỉ đạo ban đầu về hai phương án của Chính phủ, trong đó có phương án Bộ GD-ĐT không tham gia viết SGK, nhưng dường như Bộ GD-ĐT vẫn chưa muốn điều chỉnh việc độc quyền làm SGK vốn đã tồn tại và đem lại lợi nhuận lớn từ nhiều chục năm qua.
Trong cuộc đua không cân sức giữa một bên có tiềm lực tài chính, có quyền hành thẩm định trước khi phát hành và một bên là các tổ chức, cá nhân - những người biên soạn SGK tự bỏ tiền túi, sau đó hồi hộp chờ đợi bộ thẩm định sản phẩm của mình có được phép phát hành hay không. Vậy ai sẽ bị lép vế? Vừa là chủ thể biên soạn SGK, vừa đảm nhiệm việc tổ chức thi cử, ra đề thi, Bộ GD-ĐT lại giành ưu thế vượt trội. Khỏi phải bàn, để an toàn, chắc chắn các trường học sẽ chọn SGK của Bộ GD-ĐT.
Trước sự trì trệ của giáo dục Việt Nam, đổi mới chương trình SGK sẽ mang lại kỳ vọng tạo bước đột phá, thay đổi tư duy, phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông. Chính vì thế, để phá thế độc quyền trong biên soạn SGK và chỉ giao cho một nhà xuất bản phát hành như đang làm, cả xã hội đồng thuận cao với chủ trương xây dựng một chương trình, nhiều bộ SGK. Tùy theo yêu cầu thực tế, các trường, các địa phương sẽ chủ động lựa chọn bộ SGK nào ưu việt nhất. Đây cũng là xu thế chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến và việc trao quyền tự chủ về chọn SGK cho các trường học đã giúp giáo viên, học sinh tiếp cận với nguồn kiến thức phong phú, được cập nhật nhanh nhất.
Việc Bộ GD-ĐT không muốn nghiêng về phương án khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết SGK, còn mình chỉ biên soạn chương trình khung cho thấy tư duy chưa thật sự đổi mới. Thay vì tập trung làm tốt vai trò quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để kiểm soát, quản lý việc thực hiện chương trình SGK đạt chuẩn, giám sát kỳ thi THPT quốc gia thì Bộ GD-ĐT vẫn ôm đồm, choàng thêm gánh nặng làm SGK như cũ. Nếu đã hạ quyết tâm đổi mới chương trình SGK thì cần lắng nghe ý kiến tâm huyết của các chuyên gia giáo dục có uy tín và tin tưởng đội ngũ tri thức Việt Nam đủ sức viết SGK, tài liệu tham khảo theo yêu cầu đổi mới. Khi có chương trình mới và được trao quyền tự chủ trong dạy học, giáo viên sẽ sáng tạo, làm mới những bài giảng của mình mà không cần “cầm tay chỉ việc” như hiện nay.
Một vấn đề khiến dư luận thắc mắc là tại sao ngành giáo dục không công khai đánh giá đầy đủ về những mặt được lẫn hạn chế trong những lần thay đổi SGK cũng như hệ quả tiêu cực của nó? Một khi nhìn rõ những yếu điểm lẫn thất bại sẽ có cơ sở xây dựng chương trình khung chuẩn hơn, tiên tiến hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản nền giáo dục. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ quan điểm sẽ làm chủ biên một bộ SGK thì chủ trương về xây dựng một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ có nguy cơ bị phá sản...
KHÁNH HÀ