Cần giải pháp đột phá phát triển du lịch

Năm nay, TPHCM đặt mục tiêu đón khoảng 7 triệu lượt du khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu trên 116.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 10% GRDP của TP. 
Sự ưu tiên đặc biệt cho “ngành công nghiệp không khói” được nêu rõ tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị 07-CT/TU ngày 16-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về phát triển ngành du lịch TPHCM đến năm 2020...
Năm nay, TPHCM đặt mục tiêu đón khoảng 7 triệu lượt du khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu trên 116.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 10% GRDP của TP. Tuy vậy, để đạt kế hoạch vạch ra, ngành du lịch TP cần phải có giải pháp đột phá tạo đà tăng tốc. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.
Cần giải pháp đột phá phát triển du lịch ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến 
- PHÓNG VIÊN: Danh lam thắng cảnh của nước ta nói chung, TPHCM nói riêng được đông đảo bạn bè quốc tế thừa nhận, đánh giá cao, nhưng thực tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đồng chí, đâu là rào cản ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của du lịch TP?
Phó Chủ tịch UBND TP TRẦN VĨNH TUYẾN: 15 năm qua, ngành du lịch của Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt, với những kết quả quan trọng. Cụ thể, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm; tăng trưởng khách du lịch nội địa đạt 10,8%/năm. Riêng trong năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người (tăng gấp 4,3 lần so với năm 2001); khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người (tăng 5,3 lần so với năm 2001); đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 6,8%; cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP. Lực lượng doanh nghiệp (DN) du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, một số DN tạo dựng thương hiệu uy tín trong và ngoài nước, như Saigontourist, BenThanh Tourist… Tuy vậy, Trung ương cũng đánh giá ngành du lịch còn một số hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, bao gồm: sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được các yêu cầu xã hội, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao, môi trường du lịch có nhiều vấn đề cần phải xử lý, chưa tạo được sự an tâm cho xã hội. Ví dụ như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự còn nhiều bất cập…  Từ Nghị quyết số 08-NQ/TW, TPHCM đánh giá lại mình và thấy rằng hầu hết các điểm mạnh mà Trung ương nhận xét TP đều có đóng góp rất lớn. Ví dụ như, số khách du lịch quốc tế đến TPHCM chiếm khoảng 50% tỷ trọng khách du lịch quốc tế của cả nước. Thế nhưng rà soát lại những điểm yếu kém, hạn chế của du lịch Việt Nam thì TP cũng thấy có bóng dáng của mình. Do vậy, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ X, Thành ủy TPHCM đã xác định những chương trình, nhiệm vụ cụ thể để phát triển ngành du lịch với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP, phấn đấu tổng đóng góp do ngành du lịch mang lại chiếm ít nhất khoảng 11% (trước đó mục tiêu đề ra là hơn 10%) cơ cấu GRDP của TP.  
- Thành phố sẽ làm gì để tăng sức hấp dẫn cho du lịch, mà điển hình là thực hiện mục tiêu quan trọng đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Trong Chỉ thị 07-CT/TU nhấn mạnh tới việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ là trách nhiệm của ngành du lịch, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội. TPHCM xác định rằng, phát triển du lịch không chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế mà còn hướng đến trách nhiệm bền vững với cộng đồng (bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống nghĩa tình…); cải thiện an sinh xã hội; giúp người dân địa phương kinh doanh du lịch có thêm cơ hội cải thiện cuộc sống…
Cần giải pháp đột phá phát triển du lịch ảnh 2 Du khách thưởng thức ẩm thực tại TPHCM
Hiện TPHCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU và Nghị quyết 08- NQ/TW trên cơ sở xác định các chỉ tiêu cụ thể. Bao gồm, UBND TP đang xây dựng kế hoạch chọn tư vấn nước ngoài, xây dựng chiến lược phát triển du lịch TPHCM tầm nhìn đến năm 2030. Vừa qua, TP đã chọn được nhà tư vấn, chọn được đơn vị tài trợ, nhưng vẫn đang trong quá trình đàm phán để họ giúp cho ngành du lịch TP không phải sử dụng ngân sách. Bước tiếp theo sau khi xây dựng chiến lược quy hoạch là tiến hành triển khai quy hoạch dài hơi, như quy hoạch phát triển đường sông, quy hoạch phát triển hoạt động du lịch gắn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật đường phố… Khi những sự kiện này được xã hội, du khách trong và ngoài nước quan tâm, TP sẽ duy trì và phát triển thành những sự kiện du lịch thường niên. Một số sản phẩm tiêu biểu, ví dụ như Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ (dịp Tết Nguyên đán); Lễ hội áo dài vào ngày 3-3 hàng năm nhằm giới thiệu trang phục văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; Chương trình nghệ thuật đường phố vào dịp cuối tuần… - Với vai trò và vị trí đặc thù của một nền kinh tế năng động, TPHCM cần tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nào để thu hút du khách, đem ngoại tệ về cho TP?
Thành phố có thế mạnh về kết nối, trung chuyển, đầu tàu kinh tế của cả nước, nên TP hướng đến việc phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), buýt thủy, taxi thủy. Một trong các quận, huyện có tiềm năng du lịch làng nghề, kết hợp tham quan nông nghiệp, du lịch sinh thái như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức... Ngoài ra, dự kiến cuối năm này TP sẽ tổ chức “Lễ hội thời trang và công nghệ”, “Lễ hội ánh sáng” (có sự tham dự của những đơn vị hàng đầu đến từ Nga, Singapore) ; “Lễ hội du thuyền”; năm 2018 TP sẽ có “Lễ hội ẩm thực thế giới”. Nét mới lạ của “Lễ hội ẩm thực thế giới” chính là tập trung vào các món ăn ngon, cao cấp, hướng đến đối tượng du khách có chi tiêu cao…  Để thúc đẩy các loại hình du lịch nói trên, TP đưa ra một vài giải pháp như, chuẩn bị ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP. Sau 6 tháng đến 1 năm, TP sẽ sơ kết hoạt động này để đánh giá, rút kinh nghiệm. Kế đến, UBND TP thường xuyên giao ban công tác quản lý nhà nước về du lịch để đánh giá trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý, tạo điều kiện để các DN du lịch hoạt động, giảm phiền hà trong việc kiểm tra DN. Ví dụ, đối với DN 5 sao thì không nhất thiết phải kiểm tra bởi chính họ sẽ tự biết bảo vệ thương hiệu; tập trung lực lượng kiểm tra hoạt động của các DN nhỏ và vừa, nhất là những DN có biểu hiện kinh doanh không lành mạnh, lừa đảo khách hàng, từ đó giúp đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài ra, TP cũng tiến hành tổ chức điều tra tài nguyên du lịch, để có sự thống kê, đánh giá…- Xin cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục