Cần giảm thiểu chôn lấp rác

Tại hội nghị môi trường các tỉnh thành khu vực phía Nam vừa diễn ra tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, hầu hết các đại biểu của 13 tỉnh thành cho biết, phần lớn rác thải phát sinh đều được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Trong đó, TPHCM dẫn đầu cả nước với khoảng 7.000 tấn rác phát sinh mỗi ngày nhưng có đến 90% trong tổng lượng rác được xử lý bằng chôn lấp. Đây là phương pháp lạc hậu, lại không an toàn cho môi trường, nhất là trong bối cảnh nước biển dâng cao, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn.
Cần giảm thiểu chôn lấp rác

Tại hội nghị môi trường các tỉnh thành khu vực phía Nam vừa diễn ra tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, hầu hết các đại biểu của 13 tỉnh thành cho biết, phần lớn rác thải phát sinh đều được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Trong đó, TPHCM dẫn đầu cả nước với khoảng 7.000 tấn rác phát sinh mỗi ngày nhưng có đến 90% trong tổng lượng rác được xử lý bằng chôn lấp. Đây là phương pháp lạc hậu, lại không an toàn cho môi trường, nhất là trong bối cảnh nước biển dâng cao, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn.

Lãng phí tài nguyên rác vì chôn lấp

Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam đang gây sức ép về suy giảm môi trường sống do không kiểm soát được lượng chất thải phát sinh, nhất là chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi, công tác xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay tại các đô thị vẫn chủ yếu theo công nghệ chôn lấp. Thời gian gần đây đã có một số công nghệ trong nước, nước ngoài được nghiên cứu, phát triển và áp dụng tại Việt Nam như đốt rác, ép rác, sản xuất vật liệu xây dựng, phân vi sinh nhưng chưa được áp dụng phổ biến tại các tỉnh thành. Nguyên nhân là do công nghệ, thiết bị nhập ngoại đang áp dụng không phù hợp với đặc điểm rác thải của Việt Nam vốn có độ ẩm cao và chưa được phân loại tại nguồn. Do vậy, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được xử lý, tái chế chỉ đạt khoảng 15%. Đơn cử như tại TPHCM, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải nhưng 90% lượng rác đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Kế đến là tỉnh Bình Dương,  Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cùng với quá trình phát kinh tế, xã hội, thu hút hàng loạt nhà đầu tư thì thời gian gần đây, lượng rác thải của các tỉnh tăng hơn 1.000 tấn/ngày. Điều đáng nói là lượng tác thải đô thị cũng đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Thực trạng này đã góp phần gia tăng áp lực lớn chất thải bao gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn lên chất lượng môi trường, đe dọa gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất. Đặc biệt, gây ra những tổn thất kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp           Ảnh: KIM NGÂN

Theo thạc sĩ Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM, phương pháp chôn lấp là phương pháp dễ làm, ít tốn kém nhưng lại chiếm nhiều diện tích xây dựng. Một bãi chôn lấp chất thải bình thường cũng chiếm 10-15ha trong khi đó diện tích đất sử dụng cho các mục đích khác lại rất hạn chế. Không dừng lại ở đó, đối với các bãi chôn lấp còn phải có các công trình như cần cân, phân loại và xử lý rác độc hại, che đậy, thoát nước và phủ đất các ô đạt độ cao. Để giảm mùi hôi còn phải có hàng rào cách ly và sử dụng các chế phẩm vi sinh. Những yêu cầu này đòi hỏi kinh phí rất nhiều. Trên thực tế, giải pháp này cũng không giải quyết được triệt để rác thải. Chất thải sau khi chôn lấp vẫn có thể phân tán đi nơi khác do các loài chuột, côn trùng, hoặc có thể thấm xuống đất theo nước mưa và gây ô nhiễm nguồn nước của những vùng xung quanh. Mặt khác, chất thải chôn lấp có thể bị người bới rác lấy lên để tận dụng những vật có thể tái sử dụng và khả năng ô nhiễm trở lại môi trường vẫn xảy ra.

Thay đổi công nghệ

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ đốt hiện nay được xem là khả thi nhất. Đầu tư xây dựng một nhà máy đốt rác phải tốn hàng triệu USD cộng với chi phí vận hành và bảo trì thiết bị kèm theo cũng rất lớn. Thế nhưng, đây là công nghệ tiên tiến góp phần giải quyết vấn đề năng lượng và vệ sinh môi trường tại đô thị. Về lâu dài có thể tạo ngưỡng an toàn môi trường cho sức khỏe của cộng đồng. Vấn đề là để nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác bằng phương pháp nhiệt, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trước và sau khi đốt. Cụ thể phải phân loại chất thải từ nguồn để tách các chất hữu cơ có thể làm phân rác, các chất thải không thể cháy được; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên vận hành lò đốt.

Ông Lê Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Môi trường xanh Cao Nguyên Đà Lạt, nhấn mạnh, hoạt động xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện của công ty là một minh chứng. Để xử lý khối lượng lớn rác sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Bảo Lộc (Lâm Đồng) công ty đã cho xây dựng lò đốt rác bằng công nghệ hiện đại của Đức với công suất xử lý 70 - 80 tấn/ngày. Ưu điểm của loại công nghệ này là khi đốt sẽ không có khói xả ra môi trường, bởi vì khói đã được đốt triệt để ở bên trong và không gây mùi hôi. Mặt khác, bằng cách sử dụng công nghệ đốt, tỉnh Lâm Đồng đã tiết kiệm được quỹ đất rất lớn, ưu tiên cho hoạt động đầu tư doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác. Tương tự, ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa (TPHCM), cho biết thêm, rác thải sinh hoạt từ chỗ đang là thảm họa với con người, đã trở nên thân thiện, được chuyển hóa thành nguồn nguyên liệu và hàng hóa hữu ích cho cộng đồng  nếu thực hiện đúng 4 tiêu chí tái sinh, tái chế, tái sử dụng và tránh chôn lấp gây ô nhiễm thứ cấp cho môi trường. Hiện nay, hệ thống lò đốt rác của Tâm Sinh Nghĩa gồm 7 lò có công suất trung bình khoảng 130 tấn/ngày/lò.

Có thể nói, trong sự phát triển chung của đất nước, vấn đề trọng tâm đặt ra là phát triển kinh tế xã hội của các địa phương phải song song với phát triển môi trường bền vững, trong đó yếu tố đầu tiên là tìm ra những giải pháp triệt để bảo vệ môi trường. Một trong những biện pháp làm chuyển biến chất lượng phục vụ chính là xã hội hóa hoạt động của ngành vệ sinh môi trường, huy động được các thành phần kinh tế, các tổ chức nhà nước và cả tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phục vụ và bảo vệ môi trường. “Để thực hiện biện pháp này, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện về tổ chức quản lý, sự thay đổi về cơ chế tài chính, thay đổi về phương thức đầu tư và cả về quy trình công nghệ… mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành vệ sinh môi trường trong những năm đầu của thế kỷ 21” - ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM, khẳng định.

MINH XUÂN- MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục