Căn hộ giá tốt vẫn bán chạy

 So với các phân khúc khác, thị trường căn hộ thời gian qua có chựng lại, nhất là sau khi xảy ra sự cố cháy lớn ở chung cư Carina Plaza (quận 8, TPHCM) đã tác động đến tâm lý và sự chọn lựa của người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, thị trường căn hộ tại TPHCM nhìn chung vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt ở phân khúc giá từ 1,8 - 2,3 tỷ đồng/căn, vì giá đất nền hiện đã tăng cao nên việc sở hữu một căn chung cư vẫn là giải pháp tốt cho dân đô thị hiện nay.

Một dự án căn hộ tại quận 2, TPHCM        Ảnh: Huy Anh
 Tăng giá đến 30%


Khảo sát thị trường cho thấy, mặc dù không “sốt” như thị trường đất nền nhưng một số dự án nhà chung cư cũng đã tăng giá khá mạnh so với lúc mở bán. Cụ thể, dự án Sunwah Pearl tại quận Bình Thạnh có giá chào bán lúc đầu khoảng 45 triệu đồng/m2 nhưng nay đã tăng 15%, lên gần 55 triệu đồng/m2. Dự án The Sun Avenue tại quận 2, giá bán trung bình 33 - 35 triệu đồng/m2 và hiện nay đang giao dịch trên thị trường trên 40 triệu đồng/m2. Dự án Him Lam Phú An (quận 9) sắp bàn giao 1.000 căn hộ vào cuối năm nay có giá ban đầu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/căn, nay đã tăng thêm 10% - 15%. Dự án Rich Mond City tại quận Bình Thạnh cũng tăng giá gần 30% so với lúc chào bán đợt đầu; dự án Florita (quận 7) đang trong giai đoạn bàn giao nhà, có giá tăng trên 30% so với ban đầu… 

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tại TPHCM, giá căn hộ chung cư trong quý 2-2018 tăng 1,4% so với quý 1 và tăng 3,43% so với cùng kỳ 2017. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường nhận định, giá căn hộ tăng thời gian qua, một phần do nguồn cung thị trường không còn dồi dào như trước. Nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn còn cao, nên giao dịch trên thị trường thứ cấp diễn ra sôi động; trong đó, giao dịch tập trung chủ yếu ở dự án có tiến độ xây dựng tốt, sắp bàn gia nhà và do các chủ đầu tư uy tín thực hiện. Khảo sát từ CBRE Việt Nam, trong quý 2-2018, thị trường bất động sản TPHCM có gần 6.200 căn hộ mới chào bán, giảm đến 36% so với cùng kỳ năm trước và phân khúc trung cấp được ghi nhận giảm nhiều nhất. Theo CBRE Việt Nam, nguyên nhân chính khiến nguồn cung giảm mạnh là do việc phê duyệt giấy phép nghiêm ngặt hơn, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Thực tế cũng cho thấy, số lượng dự án căn hộ được tung ra thị trường từ đầu năm đến nay khá hạn chế. Về việc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho hay từ nay đến cuối năm 2018, bên cạnh nguồn cung cao cấp thì các dự án trung cấp có mức giá từ 2 - 3 tỷ đồng/căn sẽ được tung ra thị trường. “Sau nhiều biến động, thị trường căn hộ các tháng cuối năm sẽ khả quan. Trong đó, sức tiêu thụ khá tốt ở các dự án có vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín, giá hợp lý. Thực tế cho thấy, từ đầu quý 3-2018, khá nhiều dự án mở bán đều tiêu thụ đạt từ 60% - 80%, mặc dù tổng số căn chào bán đã giảm rõ nét so với 2 quý đầu năm”, ông Lê Hoàng Châu cho hay. 

M&A thúc đẩy thị trường căn hộ cao cấp
 
Không chỉ do sự cố cháy chung cư nói trên mà tín dụng bất động sản được siết chặt ngay từ đầu năm cũng khiến không ít doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để thực hiện dự án. Đó cũng là lý do khiến hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản tiếp tục diễn ra rất sôi nổi từ đầu năm đến nay, bởi lẽ, bất động sản tại Việt Nam là miếng bánh ngon không dễ bỏ qua đối với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Chính từ những thương vụ M&A này mà phân khúc căn hộ cao cấp được đánh gía có những điểm sáng.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2018, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đã chính thức thế chân Posco E&C (Hàn Quốc) để cùng Vinaconex làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Splendora An Khánh tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, sau khi mua lại 50% vốn trong Liên doanh An Khánh JVC từ tập đoàn đến từ Hàn Quốc Posco E&C. Như vậy, sau nhiều năm dự án bị “bất động” do các bên liên doanh bất đồng quan điểm, với thương vụ M&A này, hứa hẹn dự án sẽ trở lại thị trường trong thời gian sớm nhất. Tương tự, trong quý 2-2018, Quỹ đầu tư GIC Private Limited cũng đã đầu tư vào Công ty Vinhomes và một số công ty thành viên khác của Tập đoàn Vingroup, nhằm hướng tới phân khúc cao cấp mà tập đoàn này sở hữu đến vài chục dự án khắp nơi tại Việt Nam. Vào tháng 4-2018, Frasers Property đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần có điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái, cụ thể là mua 24 triệu cổ phiếu phổ thông (chiếm 75% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Địa ốc Phú An Khang) có giá trị khoảng 18 triệu USD. Sắp tới, Phú An Khang sẽ xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất tại quận 2, TPHCM. Công ty con là CVH Nereus Pte. Ltd, Tập đoàn CapitalLand, cũng đã mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hiền Đức Tây Hồ để giành quyền sử dụng khu đất rộng 0,9ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Thương vụ có giá trị khoảng 685 tỷ đồng. Tại khu đất này, CapitalLand dự định phát triển dự án phức hợp với tổng cộng 380 căn hộ bên cạnh văn phòng cho thuê và khối nhà bán lẻ…
Đại diện CBRE Việt Nam đánh giá, sau giai đoạn trầm lắng, phân khúc cao cấp đã trở lại là bình thường vì khách hàng hướng tới chất lượng sống cao hơn về chuẩn mực an toàn, chất lượng dịch vụ… Bên cạnh đó, do đặc thù của phân khúc này nên các doanh nghiệp càng phải tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm để dễ dàng tiếp cận khách hàng, nhất là sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Lãnh đạo Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản Jones Lang Lasalle cho rằng, qua 2 quý đầu năm 2018, có thể thấy rõ xu hướng đầu tư mạnh vào căn hộ cao cấp, đặc biệt đến từ các nhà đầu tư ngoại thông qua việc thâu tóm hoặc hợp tác phát triển với các nhà đầu tư trong nước. Theo vị này, Việt Nam là thị trường mới nổi có mức tăng trưởng vượt bậc so với các nơi khác trong khu vực. Hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Nhu cầu căn hộ cao cấp và hạng sang tại Việt Nam tăng mạnh thời gian qua là do mức giá vẫn còn thấp so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok và Singapore.

Tin cùng chuyên mục