Cần hơn 1.000 tỷ đồng xử lý lượng nix thải

Vụ việc Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin (HVS) đang thải hạt nix ra môi trường đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Từ tháng 12-2009, sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, thậm chí Bộ TN-MT đã đưa ra 6 đề nghị xử lý HVS đối với hành vi vi phạm này. Điều đáng nói, đến nay số lượng nix thải không giảm mà còn tăng lên.

Vụ việc Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin (HVS) đang thải hạt nix ra môi trường đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Từ tháng 12-2009, sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, thậm chí Bộ TN-MT đã đưa ra 6 đề nghị xử lý HVS đối với hành vi vi phạm này. Điều đáng nói, đến nay số lượng nix thải không giảm mà còn tăng lên.

Cuối năm 2009, ông Từ Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ TN-MT đã yêu cầu HVS thực hiện nhiều biện pháp cấp bách. Cụ thể, phải lưu giữ thật tốt 800 tấn hạt nix đã qua sử dụng. Cách thức bảo quản bắt buộc phải được chứa trên nền bê tông và che phủ bạt để chống phát tán và chảy tràn ra môi trường. Mặt khác, công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý chất thải. Trong vòng 15 tháng phải hoàn thành và đưa vào hoạt động. Dự kiến sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý khoảng 300.000 tấn/năm.

Trong thời gian chờ công ty xử lý hết khối lượng hạt nix trên, bộ yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa giám sát, không cho HVS sử dụng 20.000 tấn hạt nix vừa mới nhập khẩu. Và HVS chỉ được sử dụng khi đã xử lý xong khối lượng chất thải tồn đọng, đồng thời đưa ra được phương án bảo vệ môi trường hiệu quả đối với việc sử dụng hạt nix.

Hiện Tổng cục Bảo vệ môi trường khuyến cáo HVS nên thay đổi công nghệ sử dụng hạt nix bằng bi sắt và nước để giảm thiểu ô nhiễm cho khu vực cộng đồng dân cư tại đây. Điều đáng nói, không hiểu sao đến nay những yêu cầu này vẫn không được HVS và UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện.

Một chuyện rất khó hiểu là vì sao HVS không thể xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất của mình nhưng không chuyển giao cho đơn vị khác xử lý? PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết, ngay sau khi sự việc HVS thải hạt nix ra môi trường, đoàn công tác đã đến tỉnh Khánh Hòa làm việc và đưa ra nhiều giải pháp xử lý hạt nix. Thế nhưng, cho đến nay việc xử lý loại chất thải này chỉ ở trên giấy.

Ông Sỹ cho biết, trong khi chờ dự án xử lý nix thải đi vào hoạt động, viện đã khuyến cáo HVS nên thực hiện ngay các biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ người dân sống quanh khu vực sản xuất và bãi nix thải của nhà máy. Cụ thể, phải đặt màn che để hạn chế sự phát tán của bụi nix; không sử dụng loại hạt nix quá mịn, thành phần hạt mịn không vượt quá 1%; thường xuyên làm sạch khu vực phun hạt nix, thu hồi nix thải sau khi phun…

Mặt khác, tận dụng nix thải để tái chế, sản xuất gạch có phối liệu nix thải phục vụ các hoạt động xây dựng như đắp nền kè và nền đường bờ sông, san lấp mặt bằng các công trình. Đây là một trong những phương án khả thi nhất vì có khả năng tiêu thụ hết lượng nix thải của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin. Thế nhưng đáng tiếc, phương án này HVS không đoái hoài tới. HVS cho rằng, chờ nhà máy tái chế hạt nix (đang xây dựng) để tận dụng nix thải sản xuất thép nguyên liệu. Tuy nhiên, ông Sỹ nhấn mạnh nếu tận dụng nix thải để làm nguyên liệu sản xuất thép thì chỉ giải quyết được 1/3 lượng nix thải đang để ngoài môi trường. Vì trong nix thải chỉ có khoảng 1/3 khối lượng kim loại lẫn vào trong. Phần còn lại là xỉ đồng không thể tái chế được.

Trên thực tế, nếu muốn xử lý triệt để lượng nix thải trên, HVS phải chi khoảng khoảng 1.200 tỷ đồng (theo giá quy định). Còn nếu theo giá thị trường, xử lý chất thải nguy hại từ 4 – 12 triệu đồng/tấn, thì chi phí này còn cao hơn rất nhiều. Phải chăng HVS không muốn xử lý chất thải vì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận?

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục