Cần hơn nữa sự sẵn sàng đối mặt thiên tai

Hạn hán khốc liệt lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung bộ chưa dứt do ảnh hưởng của El Nino thì ngày 12-5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương lại dự báo, một hình thái thiên tai khác là La Nina chực chờ ập tới gây mưa nhiều trên diện rộng, lũ lụt, lũ quét sẽ quay trở lại.

Hạn hán khốc liệt lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung bộ chưa dứt do ảnh hưởng của El Nino thì ngày 12-5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương lại dự báo, một hình thái thiên tai khác là La Nina chực chờ ập tới gây mưa nhiều trên diện rộng, lũ lụt, lũ quét sẽ quay trở lại.

Cùng ngày 12-5, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn công bố thông tin cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 cả nước đã có 1.289 vụ việc, sự cố trong đó có: 379 vụ tai nạn đường thủy nội địa, 153 vụ thiên tai và 693 vụ hỏa hoạn cháy nổ, sập đổ công trình... gây thiệt hại người và tài sản, gia tăng áp lực cho công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước phải tổ chức tìm kiếm và hỗ trợ 2.353 người với 127 phương tiện gặp nạn. Chỉ riêng vụ hạn hán ở Nam Trung bộ và ĐBSCL, đã phải huy động lực lượng quân đội với 4.094 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai khắc nghiệt.

Còn nhớ hơn 10 năm về trước, chính Bộ NN-PTNT đã khởi động dự án xây nhà sống chung với lũ ở ĐBSCL để có giải pháp giảm thiểu thiệt hại về đuối nước cho cư dân ở vùng nước nổi, nhưng bây giờ đã vào mùa lũ rồi mà không thấy nước, cả vạn người cùng gia súc, cây trồng lâm vào tình cảnh khô khát, thiếu nước ngọt.

Đất nước ta đã đối mặt với thiên tai thảm họa tự bao đời, trong sử sách vẫn giữ những lời răn truyền của cha ông về phòng chống  “thủy - hỏa - đạo - tặc”, nhưng gần đây, mọi người lại đang nhắc nhiều tới khái niệm “nhân tai” để nói về các tác nhân do chính con người gây ra - như tiếp thêm sự dữ dằn, khốc liệt của thiên tai, thảm họa: từ việc phá rừng bừa bãi, quy hoạch mạng lưới sông ngòi, hồ đập thủy điện, thủy lợi bất cập; đầu tư manh mún, chưa tương xứng cho hệ thống đê điều, thủy lợi… Những dự án nhỏ chúng ta còn chưa làm tốt thì thật khó nói tới các dự án lớn hơn như kiên cố hóa toàn bộ hệ thống đê biển ngăn chặn thảm họa nước biển dâng và xâm mặn như ở Hà Lan, đắp đập trữ nước tại các cửa sông chính ở ĐBSCL, khơi thông các dòng sông ở miền Trung và Bắc bộ để phân lũ…

Khi kinh tế còn gặp khó khăn, chưa thể tính đến các siêu dự án nên “giải pháp cứng” chưa làm được tốt, nhưng thật sự buồn khi ngay cả giải pháp mềm như ý thức và tinh thần sẵn sàng chủ động ứng phó thiên tai thảm họa, vẫn đang là “điệp khúc” phải ca đi hát lại mỗi khi tổ chức họp bàn giải pháp chuẩn bị ứng phó trước mỗi mùa mưa bão, lũ lụt. Sự thật là nhiều người dân vẫn đang nghĩ rằng trách nhiệm phòng chống thiên tai, thảm họa chỉ là của Nhà nước, trong khi tại nhiều cuộc họp về phòng chống bão, lũ lụt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các thành viên ban chỉ đạo đều nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng không thể lo cho từng người dân, mà mỗi người dân cần phải nêu cao tinh thần phòng, tránh thiệt hại cả về tính mạng và tài sản. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng nhiều lần nhấn mạnh, hiện nay ý thức của ngư dân khi đi biển có sự chuyển biến rất tốt mỗi khi có thông tin bão nên thiệt hại giảm thiểu rõ rệt nhưng số lượng người thiệt mạng vì mưa lũ lụt, lũ quét trên đất liền lại có xu hướng gia tăng. Khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do bất cẩn, chủ quan. Ngày 12-5, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh rằng do ảnh hưởng của chu kỳ La Nina, tình hình mưa lũ lụt năm nay có thể gia tăng tại miền Trung và Nam bộ. El Nino năm 1997 dẫn đến cơn bão Linda đổ vào Cà Mau có thể lặp lại. Vì vậy toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai từ ban chỉ đạo, chính quyền, các cơ quan có liên quan đến mỗi người dân phải nêu cao tinh thần sẵn sàng ứng phó mưa lũ khốc liệt. Giải pháp “4 tại chỗ” luôn là công cụ để ứng phó với thiên tai, trong đó bao gồm tinh thần chủ động, ý thức sẵn sàng của mỗi người dân cũng như trách nhiệm thực sự của các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục