
Đối với người dân ngoại thành TPHCM, mạch nước ngầm là nguồn nước chính cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất. Chính vì vậy, nhìn dòng nước nuôi sống mình đang dần cạn kiệt và bị ô nhiễm… không ít người dân đã lo lắng.

Đối với người dân ngoại thành TPHCM, nước ngầm vẫn là nguồn nước sử dụng chính.
Ông Cao Văn Giạ ở ấp 3 xã Tân Thạnh Tây huyện Củ Chi- người có trên 15 năm trồng rau - không nén được tiếng thở dài khi nhắc lại chuyện xưa. Nhớ ngày mới bước vào nghề trồng bông, giếng ở đây chỉ đào khoảng 5m là đủ để tưới hết mùa nắng. Nhưng giờ muốn có nước tưới đầy đủ thì giếng phải sâu đến 40m! Nhiều nông dân ở các xã phía Đông và Nam của huyện Củ Chi - nơi vẫn đang sử dụng nước ngầm là chính - cũng gặp tình cảnh như ông Giạ.
Một nông dân ở đây đã nói: Dù có nước sạch từ nhà máy nước Kênh Đông song mọi sinh hoạt, sản xuất chính yếu của gia đình vẫn là nước giếng. Ngày trước. Cứ mỗi lần cần đào giếng là trai tráng trong làng rủ nhau đến phụ làm. Cứ cuốc, xẻng đào xuống đến 5-7m là có nước. Nay phải nhờ đến dân khoan giếng chuyên nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Hồng, chủ dịch vụ khoan giếng Tân Quy (huyện Củ Chi), xác nhận: 3 năm về trước, ở vùng đất cao cũng chỉ cần khoan đến độ sâu 20 – 25m là có nước. Thế nhưng, hiện nay cũng ở những vùng đất ấy phải khoan đến 40-50m mới thấy nước xuất hiện. Thậm chí, những gia đình đông người, trồng trọt nhiều hay các doanh nghiệp thường yêu cầu khoan sâu từ 100m đến 200m vì theo họ như thế mới đủ nước để sản xuất.
Nước ngầm sụt giảm đã và đang làm cho hàng ngàn giếng khoan, bơm bằng tay do UNICEF hỗ trợ xây dựng cho bà con vùng sâu vùng xa ở các xã ngoại thành của huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè cách nay 5 năm bị bỏ gần hết vì giếng khoan khá nông, nước không còn.
Ông Lê Văn Hoàng ở ấp 4, xã Bình Mỹ vừa phá bỏ giếng bơm tay của UNICEF để lắp đặt giếng khoan mới, cho biết tình trạng xâm mặn và ô nhiễm tầng nước ngầm trong một hai năm gần đây ở khu vực ven sông Sài Gòn đã làm cho hệ thống nước sạch nông, các giếng bơm tay ở đây không thể sử dụng được. Mùa nắng thì nước có vị mằn mặn, còn mùa mưa thì nước có vị chua chua. Những giếng dùng được phải khoan sâu trên 25m.
Tại huyện Hóc Môn, tình trạng nước ngầm cạn kiệt và bị ô nhiễm cũng đang diễn ra gay gắt. Nhiều chủ cơ sở khoan giếng ở quận 12 và Hóc Môn cho biết, có 3 loại giếng khoan, loại 1 dưới 25m, loại 2 từ 30m đến 60m và loại 3 từ 60m trở lên. Thời gian gần đây, các đơn đặt hàng khoan giếng tập trung vào 2 loại sau cùng.

Mực nước ngầm đang bị hạ sâu nhanh chóng trong những năm gần đây (biểu đồ biểu thị mực nước đang bị hạ thấp).
Giải thích về việc này, anh Trần Văn Đông chuyên lắp đặt giếng khoan ở phường Hiệp Thành cho biết nước ngầm ở độ sâu dưới 25m đã xuất hiện mùi hôi hoặc có vị chua nên chẳng khách hàng nào đặt hàng khoan loại giếng ấy. Anh Đông dự báo rằng với tốc độ “đen hóa” các dòng kênh ở ngoại thành nhanh như hiện nay thì trong vài năm tới, nước ngầm ở độ sâu 40m chắc cũng sẽ hôi và mặn.
Ở quận Gò Vấp, từ một năm nay đã có nguồn nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp nhưng nước ngầm vẫn là một nguồn tài sản vô cùng quý giá đối người dân. Anh Hà Văn Thơm, chủ một cơ sở khoan giếng trên đường Phan Văn Trị, cho biết mỗi năm cơ sở của anh lắp khoảng trăm giếng khoan với độ sâu từ 40m đến 100m. Tuy nhiên, loại giếng sâu 40m không nhiều. Đa phần là giếng sâu 60m trở lên. Khách hàng của anh phần lớn là các gia đình, các chủ nhà trọ cho thuê và một vài cơ sở chuyên sản xuất nước giải khát.
Nước ngầm sụt giảm sẽ có những ảnh hưởng rất tiêu cực đến hệ sinh thái của toàn vùng… Điều này đã được nhiều người cảnh báo nhưng các giải pháp dường như vẫn chưa căn cơ. Có lẽ đã đến lúc ngành chức năng phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này.
NGUYỄN PHƯƠNG LAM