Vì sao một số nhà đầu tư “cơ hội” vẫn được cấp phép thực hiện những dự án tỷ đô. Không ít doanh nghiệp FDI đóng cửa từ lâu vẫn chưa được xử lý, trong khi chủ đầu tư không còn ở Việt Nam, vì sao tình trạng chuyển giá, phát hiện đã lâu nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục…? GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặt vấn đề tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam” ngày 15-3.
Thành tựu và bất cập
Tại hội thảo, các diễn giả đều khẳng định, FDI hiện chiếm khoảng 20% - 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Khối FDI tạo ra khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; tạo ra bộ mặt mới trong lĩnh vực dịch vụ, đóng góp vào ngân sách và GDP ngày càng tăng; tạo ra nhiều việc làm và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao… Một số địa phương đã tăng thu ngân sách với tốc độ “phi mã” chủ yếu nhờ thu hút FDI, như tỉnh Vĩnh Phúc. Khi mới tách ra từ tỉnh Phú Thọ, thu ngân sách của Vĩnh Phúc chỉ hơn 100 tỷ đồng/năm. Nhưng năm 2011, dù huyện Mê Linh đã chuyển về Hà Nội, số thu ngân sách của tỉnh này vẫn đạt trên 14.000 tỷ đồng, gấp 140 lần. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề liên quan đến FDI được phát hiện và đang phải xử lý: vẫn có một số nhà đầu tư nhập khẩu vào Việt Nam công nghệ lạc hậu; không tôn trọng các quy định về bảo vệ môi trường; không giải quyết tốt quan hệ chủ - thợ, dẫn đến đình công phức tạp; đầu tư không theo quy hoạch; khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) phát triển tràn lan không hiệu quả…
Để giải quyết các vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng. Đó là chính sách ưu đãi, quyền lựa chọn và phản ứng chính sách. Theo ông, chính sách ưu đãi đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút FDI, song ưu đãi phổ biến nhất là miễn giảm thuế lại đang có những bất cập lớn. “Không ít tỉnh, thành phố đã lạm dụng ưu đãi đầu tư, miễn thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội địa phương, thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải… vay tiền nhà đầu tư để chi trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết khi dự án hoạt động, ngân sách địa phương có thu lại được hay không”, GS Nguyễn Mại cho biết.
Trong khi đó, ưu đãi thuế chỉ có ý nghĩa quyết định đối với các nhà đầu tư nhỏ và vừa, trong khi các nhà đầu tư lớn quan tâm nhiều hơn đến môi trường pháp lý minh bạch, công khai và ổn định, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhận định này cũng được đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), ông Hirokazu Yamaok, khẳng định mối lo ngại thường trực của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản là tình hình cung cấp điện năng không ổn định, nói cách khác tình trạng thiếu điện trầm trọng đã và đang tiếp tục diễn ra. Đại diện Tập đoàn Reed Tradex sau đó cũng bày tỏ quan điểm, tiêu chí hàng đầu là chính sách minh bạch và nguồn nhân lực tốt.
Chưa kê toa đúng bệnh
|
Về “quyền lựa chọn”, GS Nguyễn Mại và nhiều diễn giả, cho rằng nhiều địa phương, ban quản lý các KCN, KKT vừa qua chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý định của nhà đầu tư, do đó đã cấp phép thiếu cân nhắc, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, thậm chí có trường hợp không đảm bảo được lợi ích dân tộc. Quyền lựa chọn gắn với việc đặt ra các kịch bản, xem xét, lựa chọn được phương án tối ưu trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án đầu tư. Cụ thể, trước khi cấp phép đầu tư, cần cân nhắc xem dự án có phù hợp quy hoạch và ý đồ của chính quyền địa phương. Nếu phù hợp rồi, nên chọn nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước? Khi đã quyết định chọn nhà đầu tư nước ngoài cần ưu tiên doanh nghiệp đến từ nước nào để có được công nghệ hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu phát triển (R&D). Nếu chưa có quy hoạch, chưa có ý đồ, cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án, kể cả lựa chọn địa điểm, thị trường, ưu đãi.
Rất nhiều vấn đề liên quan đến FDI đã trôi dài theo năm tháng mà chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu, chính là do phản ứng chính sách kém. Điều này được minh chứng bằng tình trạng ô nhiễm môi trường được báo động liên tục, cơ quan chức năng đến nay vẫn không thể đưa ra được đánh giá khách quan về thực trạng công nghệ của doanh nghiệp FDI. “Bệnh” chuyển giá đã phát hiện khá lâu nhưng chưa có “toa thuốc” thống nhất và thực sự hữu hiệu. Vẫn còn đó những dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột được cấp phép hoành tráng rồi bỏ hoang, làm mất cơ hội của những nhà đầu tư có tiềm lực và mong muốn thực hiện dự án…
Các chuyên gia và nhà đầu tư đều khẳng định triển vọng sáng sủa về khả năng tiếp tục thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Mức vốn FDI thực hiện trung bình của nước ta từ nay đến năm 2020 vào khoảng 14 - 15 tỷ USD/năm (tính vốn thuần túy của nước ngoài) được coi rất khả thi. Ông Hirokazu Yamaok cho biết chắc chắn năm 2011 là năm đáng nhớ trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, song các nhà đầu tư Nhật cũng đầu tư vào các nước khác trong ASEAN. Việt Nam hiện vẫn đứng sau Thái Lan và Indonesia trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa trong các lĩnh vực khác nhau nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Anh Thư